spot_img
spot_img
spot_img

Trí tuệ

Trí tuệ

Chúng ta thường tiếp thu kiến thức và trí tuệ thông qua

học hỏi, nghe pháp, đọc sách
(sutamāya paññā – văn tuệ),

thông qua tư duy, suy luận
(cintamāya paññā – tư tuệ)

và thông qua kinh nghiệm trực tiếp của thiền tập
(bhavanamāya paññā – tu tuệ).

Văn tuệ là tiếp thu thông tin hướng dẫn đúng đắn để khởi sự thực hành. Tư tuệ là quá trình tiêu hoá những thông tin này, thẩm thấu và dung nạp chúng. Tu tuệ là những hiểu biết sanh khởi thông qua kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta cần phải có cả văn tuệ và tư tuệ để thực hành chánh niệm một cách hiệu quả, làm cho trí tuệ trực giác (tu tuệ) sanh khởi. Cả ba loại trí tuệ này đều là một phần của thiền tập, tất cả đều cần yếu đối với thiền vipassanā.

Nếu là người mới bắt đầu tập thiền, chúng ta cần tìm đọc sách vở Phật pháp, hoặc ít nhất là cũng phải nghe thuyết pháp và tham dự các buổi trình pháp. Những hoạt động này sẽ giúp bạn có được những thông tin tư vấn và hướng dẫn cần thiết cho quá trình thiền tập, cung cấp một số “chất liệu” để tư duy, suy gẫm. Chúng ta cần ghi nhớ những thông tin tư vấn và hướng dẫn, để mỗi khi đối diện với khó khăn chúng ta sẽ nhớ lại và biết cách ứng xử và tất nhiên bạn cũng cần phải nêu câu hỏi trong các buổi trình pháp nữa.

Cái chính là bạn phải nỗ lực, cố gắng một cách có ý thức để có được trí tuệ. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là bạn phải lưu ý về ảnh hưởng của những kiến thức này đến quá trình thực hành của mình. Tất cả những thông tin đó sẽ còn tiếp tục hoạt động ngầm bên dưới bề mặt ý thức, sẽ tác động đến cách suy nghĩ và nhìn nhận sự việc của chúng ta. Vì vậy, hãy bảo đảm là mình đã thực sự hiểu những điều “cơ bản” đó; hiểu được công việc mình đang làm. Mỗi khi bạn thấy còn băn khoăn, khó hiểu, hãy trình bày với thiền sư.

Điều hết sức cần thiết là phải
có thông tin hướng dẫn đúng đắn,
có động cơ và suy nghĩ chân chánh
để thực hành một cách
thông minh và hiệu quả.

Đối với hầu hết chúng ta,
quá trình thành tựu trí tuệ
là một quá trình học hỏi
chậm chạp, lâu dài và thường là đau đớn
– chúng ta sẽ liên tục vấp váp, sai lầm.

Đừng sợ phải vấp váp và phạm sai lầm – và điều quan trọng hơn là đừng bao giờ cảm thấy mình xấu xa, yếu kém vì đã phạm sai lầm. Chúng ta không thể tránh được sai lầm; xét về một mặt nào đó, chúng chính là những viên đá lót đường tiến lên của chúng ta.

Hay biết,
quan sát một cách cẩn thận, kỹ càng
và học hỏi từ sai lầm đó
– đó chính là trí tuệ đang vận hành.

Khi chúng ta học hỏi từ sai lầm,
trí tuệ sẽ bắt đầu đến
một cách tự động và tự nhiên hơn.

Trải qua nhiều năm tháng, pháp hành của chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ, chúng ta ngày càng chánh niệm hơn, những kiến thức và hiểu biết thu được sẽ đến nhanh chóng hơn một cách tự nhiên.

Chánh niệm và trí tuệ
sẽ trở thành một cặp song hành
làm việc cùng nhau.

Khi chánh niệm tự nhiên, tâm sẽ vững mạnh và trí tuệ có được sẽ luôn sẵn sàng có mặt. Bạn không cần phải cố gắng để tìm kiếm, thâu nhặt nữa. Khi tâm quan sát đã vững, trí tuệ sẽ ứng phó với phiền não một cách hữu hiệu hơn. Trí tuệ càng chín muồi, tâm sẽ càng trong sáng và quân bình hơn. Cuối cùng, bạn sẽ bắt đầu kinh nghiệm được những khoảnh khắc minh trí, sáng suốt và quân bình, buông xả; trong khoảnh khắc đó bạn sẽ nhìn mọi việc với một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ. Nói cách khác, bạn bắt đầu có được tuệ giác.

Có được tuệ giác nghĩa là
hiểu biết một cách sâu sắc
những gì trước kia bạn chỉ hiểu
một cách hời hợt trên bề mặt kiến thức.

Đó là điều diễn ra hết sức tự nhiên
và tự phát, ngay tức thời;
bạn không thể bắt nó phải xảy ra được.

Những kinh nghiệm dẫn tới tuệ giác được người khác tả lại và tuệ giác thực sự là hai điều khác biệt nhau về căn bản. Có những kinh nghiệm tương tự như vậy hoàn toàn không có nghĩa là bạn đã đạt được hay sẽ đạt được tuệ giác đó. Khi thời điểm đã chín muồi, bạn đã sẵn sàng, thì sẽ có được kinh nghiệm và tuệ giác rõ nét, khác biệt của chính mình.

Khi đó bạn sẽ hiểu được
sự khác biệt to lớn giữa những gì
được nghe, đọc với tuệ giác thực sự.

Bạn có thể mô tả về ảnh hưởng, tác động của tuệ giác đó đối với mình như thế nào hay về những kinh nghiệm “xung quanh” tuệ giác đó, nhưng sẽ không thể nào diễn tả được chiều sâu hiểu biết thu được qua tuệ giác ấy.

Một kinh nghiệm trực giác về chân lý như vậy sẽ có tác động sâu sắc đến sự thực hành của bạn, đến cách nhận thức và lối sống của bạn. Nói cách khác, trí tuệ có được theo cách này, ngay lập tức sẽ chuyển hoá cách nhìn nhận mọi việc của bạn. Tuy nhiên, cái “tâm tuệ giác” này không phải là thường hằng; nó chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Cái thẩm thấu và “sống động” còn lại chính là tính chất của nó. Nếu chúng ta không tiếp tục vun trồng, nuôi dưỡng cái phẩm chất ấy, nó sẽ nhanh chóng phai nhoà. Chỉ có sự thực hành liên tục mới có thể duy trì được nó, mới có thể đảm bảo chắc chắn rằng trí tuệ đó sẽ tiếp tục phát triển và thể hiện chức năng của mình.

Thực hành liên tục không có nghĩa là bạn phải bỏ ra một số giờ nào đó mỗi ngày hay mỗi tuần để ngồi thiền, dù rằng điều đó cũng rất tốt.

Mà thực hành liên tục có nghĩa là
chánh niệm hay biết bất cứ việc gì bạn làm,
với tất cả khả năng của mình.

Trong giai đoạn này, trí tuệ sẽ dần dần bộc lộ. Chánh niệm vẫn luôn có mặt thường xuyên bên cạnh, song giờ đây trí tuệ sẽ đóng vai trò chủ đạo. Loại trí tuệ này sẽ giúp chúng ta đạt được những tiến bộ quan trọng, đầy ý nghĩa trong pháp hành.

Văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ (văn-tư-tu), sẽ cùng vận hành chặt chẽ với nhau. Trí tuệ thu được từ tư duy, suy luận sẽ làm tăng trưởng đức tin của bạn vào pháp và do đó sẽ càng khuyến khích sự say mê, hứng thú của bạn trong pháp hành. Niềm say mê này sẽ tạo duyên để bạn tiếp tục học hỏi và tư duy. Bạn không còn sợ phạm sai lầm nữa và sẽ bắt đầu khám phá những phương cách mới để ứng phó với mọi khó khăn. Bạn sẽ thấy rõ ràng hơn lợi ích của pháp hành và sẽ hiểu được những điều đã học ở một tầng mức thâm sâu hơn. Tất cả những điều này sẽ làm đức tin của bạn tăng trưởng hơn nữa. Một khi đã có được tuệ giác, lòng tin của bạn vào giáo pháp sẽ được gia tăng hết sức mạnh mẽ. Điều này lại làm vững mạnh thêm ý chí quyết tâm của bạn để thực hành một cách nhiệt tâm, hết mình.

Pháp hành thiền chánh niệm
sẽ trở thành tâm điểm của cuộc đời bạn
và thế giới của bạn
sẽ không bao giờ còn như cũ nữa.

Dù bạn đã kinh nghiệm được đến đâu, dù bạn đã có được nhiều kiến thức hơn tất cả những người khác, cũng đừng bao giờ tự thoả mãn với tầm mức trí tuệ mà mình đã đạt được hay thoả mãn với mức độ sâu sắc của tuệ giác đã có.

Đừng tự hạn chế mình;
hãy luôn mở rộng cánh cửa
cho những hiểu biết
mới mẻ và sâu sắc hơn nữa.

Trích “Đừng Coi Thường Phiền Não”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya

 

RELATED ARTICLES

Rõ biết 224

Rõ biết 223

Rõ biết 222

Weather

Australia
clear sky
20.7 ° C
20.7 °
20.7 °
26 %
8.2kmh
0 %
Sat
20 °
Sun
25 °
Mon
27 °
Tue
29 °
Wed
24 °

CALENDAR

LATEST NEWS

Rõ biết 224

Rõ biết 223

Rõ biết 222

Rõ biết 221

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe