Trí tuệ là đối tượng mà việc thực hành này hướng đến.
Đó là phẩm chất trong tâm không dễ gì nắm bắt và đạt được, vì vậy, chúng ta thường cố tìm kiếm trong tuyệt vọng. Khi có trí tuệ, nó trở thành la bàn dẫn hướng để chúng ta có thể xuyên phá và hiểu rõ tam độc: tham, sân, si. Thuốc trị đối với tâm si chính là trí tuệ và kết quả của trí tuệ là hạnh phúc, nhưng đó không phải là hạnh phúc dục lạc của thế gian mà là chân hạnh phúc đến từ sự sáng suốt và hiểu biết bắt nguồn từ chánh niệm liên tục.
Mức độ trí tuệ căn bản nhất cần được duy trì khi chúng ta hành thiền là văn tuệ (suttamayā paññā) – chính là những hiểu biết ta thâu nhận được từ việc đọc và nghe Pháp. Loại trí tuệ thứ hai đến từ sự tò mò và ham hiểu biết – chức năng thẩm sát này của tâm (cintāmayā paññā – tư tuệ, hay còn gọi là dhamma vicaya – trạch pháp) rất cần thiết để phát triển tuệ giác ở mức sâu hơn. Việc thực hành chánh niệm, vốn đã có sẵn sự hiện diện vững chắc của suttamayā paññā và cintāmayā paññā, sẽ làm sinh khởi tuệ thực nghiệm (bhāvanāmayā paññā – tu tuệ).
Chúng ta có thể hình dung tâm như một dòng sông với nhiều dòng suối và mạch nước lớn nhỏ chảy vào. Trí tuệ, giống như dòng sông, chỉ có thể trôi chảy với nguồn cấp nước mới liên tục không ngừng nghỉ, nếu không, dòng sông sẽ cạn kiệt. Nguồn nước mới này chỉ có thể đến từ việc thực hành chánh niệm (sati). Nếu không có chánh niệm (sati) thì không có tâm sở (cetasika) thiện (kusala) nào có thể hiện diện. Tuệ, cùng với tín và tấn (viriya) tạo nên động lực cho việc thực hành của chúng ta.
Chúng ta phải có một mức độ hiểu biết nhất định về những gì đang diễn ra khi chúng ta thiền. Đó là ngũ căn (indriya) gồm: chánh niệm (sati), sự ổn định/vững vàng của tâm (samādhi), nỗ lực đúng đắn/sáng suốt (viriya), niềm tin và sự tin tưởng ( saddhā) và trí tuệ (paññā). Trong khi thiền chánh niệm, chúng ta đang vun trồng những năng lực trí tuệ này để chúng hoạt động cân bằng với nhau. Nếu ngũ căn mất cân bằng, hoặc vì một lý do nào đó, một căn trở nên suy yếu thì các căn còn lại sẽ điều chỉnh để tái lập trạng thái tâm quân bình.
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên”
Thiền Sư U Tejaniya