Tâm phải luôn tỉnh thức và hứng thú
Thực hành Pháp là một công việc của tâm, điều đó có nghĩa là tâm phải có chánh niệm (sự hay biết). Tâm cũng phải tỉnh thức và có hứng thú tự tìm hiểu chính mình. Nhưng bởi vì xu hướng thói quen của chúng ta là cứ hướng sự chú ý ra bên ngoài nên chúng ta thường xuyên quên kiểm tra lại chính mình.
Chính vì vậy
chúng ta phải thường xuyên
tự hỏi mình và
tự nhắc nhở bản thân mình
để duy trì chánh niệm.
Quán tính chánh niệm
đến từ việc thực hành
liên tục từng giây phút.
Chúng ta mong muốn chánh niệm liên tục không gián đoạn để cuối cùng sẽ có được đà quán tính tự nhiên của chánh niệm. Dùng hình ảnh ví dụ, chúng ta không muốn loại lửa rơm chóng tàn, mà muốn có được ngọn lửa lâu bền như lửa than, lửa củi.
Thời gian nào là tốt nhất để hành thiền?
Nhiều thiền sinh có suy nghĩ rằng thiền của họ bắt đầu khi nghe tiếng chuông đánh thức vào buổi sáng. Không phải như thế! Tiếng chuông chỉ là để nhắc nhở bạn.
Thời gian thích hợp để hành thiền
là từ lúc bạn thức dậy vào buổi sáng
cho đến khi lên giường đi ngủ.
Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy tự kiểm tra lại mình. Tâm có sáng suốt không? Có cảm thấy tươi mới không? Còn buồn ngủ không? Có khi bạn thức dậy nhưng vẫn còn muốn ngủ nữa. Có khó để biết không? Có thể biết được tất cả những điều ấy không?
Bạn chỉ phải làm mỗi việc
là tự hỏi chính mình.
Bạn thực hành là để hiểu biết thân tâm mình. Hãy để những gì đến thì đến; chẳng quan trọng. Công việc của tâm là hay biết và ghi nhận, điều đó có thể làm trong bất cứ tư thế nào, bất cứ công việc gì. Chỉ mỗi việc ngồi thu lu trên tọa cụ đâu phải đã là hành thiền. Một số người ngồi ngủ gật, có người thì ngồi mơ mộng đâu đâu. Đó có phải là hành thiền không?
Trích ” Pháp Ở Mọi Nơi”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya