Tín (saddhā)
Tín là lòng tin và tự tin. Bạn cần phải có lòng tin đối với pháp hành và những gì mình đang làm. Tin vào sự thực hành và tin vào chính mình. Hãy có hứng thú với pháp hành và với cách bạn đang thực hành. Điều quan trọng nhất là, niềm tin vào những gì bạn đang làm sẽ tăng trưởng khi bạn hiểu và thấy được lợi ích của công việc mình đang làm.
Đức tin tăng trưởng nhờ thực hành. Khi thực hành bạn tìm thấy sự bình yên hay đau khổ? Bạn sẽ không bao giờ khổ khi thực hành một cách khéo léo, với tâm thiện. Bạn sẽ mệt mỏi và phiền não nếu không khéo hành và thực hành sai. Một khi đã học các thực hành Pháp thì:
- Cả thân và tâm đều an vui.
- Bạn sẽ không còn đau khổ.
- Tuệ giác vipassanā sẽ sanh khởi
- Đạo tuệ (magga-ñāna) và Quả tuệ (phala-ñāna) sẽ sanh khởi
- Tâm hướng về Niết Bàn.
Đó là những điều Đức Phật đã nói trong kinh Tứ Niệm Xứ (satipatthāna sutta). Bây giờbạn đang học cách thực hành thế nào cho đúng. Bạn bắt đầu từ niềm tin vào chính mình và tin vào pháp hành. Đức tin tăng trưởng nhờ thái độ đúng và thực hành đúng. Khi có những tuệ giác mới, một cách tự nhiên bạn sẽ cảm nhận được đức tin vào Đức Phật, vào Giáo Pháp và Tăng Bảo.
Bạn thực hành để “có được” chân lý hay để biết cách thực hành thế nào cho đúng? Đừng nghĩ đến phần “được” vội.
Thay vì mong đợi kết quả
hay nghĩ về mục đích cuối cùng,
hãy có hứng thú với chính những gì mình
đang làm, với cách bạn đang tiếp cận tới thiền.
Hãy có niềm tin về công việc của mình và học hỏi cách thực hành thế nào cho tốt. Hãy tin ở chính mình. Bạn đã được hưởng lợi ích từ sự thực hành Pháp như thế nào?
Trí thông minh và trí tuệ cũng cần thiết ở đây. Trí thông minh cần phải có để tinh tấn một cách đúng đắn phải đến trước khi có bất cứ tuệ giác vipassanā, đạo tuệ hay quả tuệ nào. Không có sự cố gắng đúng đắn thì có được tuệ giác nào không?
Việc đầu tiên là hãy học cách cố gắng đúng đã.
Giữa thân và tâm, cái nào tinh tấn? Chính là tâm nỗ lực tinh tấn. Liệu bạn có thể thực hành tốt được không nếu không hiểu biết về:
- Tâm mình;
- Không biết tâm đang nghĩ gì;
- Không biết tâm đang đầu tư vào đó bao nhiêu năng lượng;
- Không biết loại suy nghĩ nào đang có mặt;
- Không biết loại thái độ nào đang có mặt;
- Không biết bản chất của tâm mình?
Hãy có hứng thú với công việc của mình
Hãy có hứng thú đối với công việc bạn đang làm. Nhiều thiền sinh gặp phải những kinh nghiệm tốt và kinh nghiệm xấu trong khi thực hành. Đôi khi họ thiền tốt, lúc khác họ lại không bằng lòng với sự thực hành của mình. Khi tôi hỏi họ tại sao không bằng lòng, họ chẳng biết. Bạn biết vì sao họ không biết không? Bởi vì họ không tìm hiểu và có hứng thú với công việc họ đang làm. Họ không biết tâm mình, không biết mình đang làm gì và tại sao làm!
Khi bạn thấy được mối liên hệ giữa những gì tâm bạn làm và những gì diễn ra, khi đó bạn bắt đầu hiểu được bản chất của nhân-quả. Với hiểu biết đó, niềm tin của bạn sẽ ngày càng lớn mạnh.
Trích “Pháp Ở Mọi Nơi”
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Sư Tâm Pháp