Đón nhận trí tuệ với tâm rộng mở
Chúng ta cần cố gắng thực tập để có thể đón nhận những khoảnh khắc trí tuệ sinh khởi bất cứ lúc nào với tâm cởi mở. Đây không phải loại nỗ lực bạn có thể tạo ra, cũng không phải là sự chấp nhận thực tại mù quáng, mà là việc tìm hiểu những gì đang diễn ra trong tâm một cách thụ động. Kết quả là, chúng ta có được một cái nhìn toàn cảnh, khách quan, làm nền móng cho tuệ giác sinh khởi; bằng việc lùi lại bao quát, ta tạo được một khoảng cách giữa tâm quan sát và đề mục. Giờ đây chúng ta quan sát các sinh hoạt của tâm và các trải nghiệm của bản than mà không có chút thiên kiến nào, ta đưa thêm vào đó trí thông minh của một thiền sinh khởi sự thực hành: sự tò mò, tự hỏi bây giờ làm sao có thể nhìn thấy chân thực hơn nữa, không đoán già đoán non, không thắc mắc quá mức hoặc tự suy luận.
Những hiểu biết vừa gặt hái được cũng ảnh hưởng ngược trở lại quá trình thực hành. Việc ghi nhớ các tác động này rất quan trọng. Đây là những thông tin sẽ chạy ngầm trong tâm và ảnh hưởng lên cách chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận mọi vật xung quanh. Hãy chắc chắn rằng bạn đã thấu hiểu các khái niệm căn bản, đảm bảo rằng bạn đang có chánh niệm và biết rõ mình đang làm gì. Mỗi khi cảm thấy mông lung và không chắc nên làm thế nào, hãy hỏi vị thầy của mình xem bạn đã hiểu đúng chưa. Có thông tin đúng, động lực đúng và tư duy đúng là rất quan trọng để có thể thực hành với trí tuệ. Trí tuệ chỉ có thể xuất hiện khi chúng ta có đủ thông tin. Làm sao để có được thông tin? Thông tin chỉ có thể đến khi ta sử dụng chánh niệm cùng thái độ hứng thú tìm cầu. Khi có đầy đủ thông tin, tuệ giác sẽ sinh khởi.
Một cách tự nhiên, vài người đã có sẵn hứng thú với việc điều tra tìm hiểu. Chúng ta đều thông minh bẩm sinh theo những cách khác nhau. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu tâm mình có nhiều hứng thú hơn với một điều gì đó thì bạn chỉ cần rất ít nỗ lực để chánh niệm và duy trì sự quan tâm đến nó. Tâm bạn sẽ bắt đầu cải tiến, tìm những cách tốt hơn và hiệu quả hơn để hoàn thành công việc. Đây là quá trình tự nhiên của tâm và điều tương tự cũng diễn ra với thiền. Một hôm, thầy tôi hỏi “Tại sao lại có sự phồng xẹp của bụng?” Tôi biết dựa trên cả lý thuyết và kinh nghiệm rằng đó là vì tôi đang thở. Thầy tôi lại hỏi “Tại sao lại có sự hít thở?” Tôi không biết. Tôi trả lời theo đại ý có sẵn trong đầu “Bởi vì đó là tự nhiên và chúng ta muốn tồn tại.” Nhưng đó không phải là câu trả lời từ thực nghiệm và thầy tôi đã không chấp nhận. Thầy bảo tôi đi tìm hiểu điều này. Tôi đã mất một tuần quan sát nghiên cứu trước khi câu trả lời bất thình lình xuất hiện. Thật là rõ ràng và hết sức đơn giản. Khi tôi hít thở, tôi có thể thấy mình đang muốn hít thở, đó chính là ý định. Đây là công sức phải bỏ ra để có hiểu biết đúng – 1 tuần quan sát chỉ để thấy rằng có một mong cầu hít thở để rồi chuyện hít thở xảy ra.
Đừng giới hạn bản thân. Hãy luôn mở rộng cửa đón nhận những hiểu biết mới và sâu sắc hơn. Bất kể bạn kinh nghiệm đến đâu hoặc có kiến thức hơn mọi người nhiều bao nhiêu, đừng bao giờ thỏa mãn với những kiến thức và mức độ hiểu biết mình đang có. Trí tuệ là không có giới hạn; luôn có chỗ để hiểu biết thêm.
Một khi sự hiểu biết của bạn
đến từ những kinh nghiệm
thì bạn không cần phải cố nhớ lại
để sử dụng chúng khi cần,
bởi vì chúng đã trở thành một phần
trong tổng thể chánh kiến của bạn.
Trí tuệ sẽ được củng cố và tâm bạn sẽ không còn dao động nhiều từ chánh kiến qua tà kiến nữa. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng nếu trí tuệ được liên tục nhắc lại bằng việc thực hành không ngừng nghỉ. Trong những giây phút chểnh mảng hoặc trong những hoàn cảnh đặc biệt, tà kiến sẽ vẫn lên tiếng và làm cho chúng ta khổ sở. Bạn sẽ phải hết lòng tận tụy với thực hành chánh niệm để học bài học này lặp đi lặp lại rồi từ đó trở nên vững chãi hơn trong mọi tình huống của cuộc sống. Đôi khi, trí tuệ bạn đạt được chỉ gắn liền với một tình huống nhất định nào đó.
Bạn nên xem trí tuệ như khoản tiết kiệm của cuộc đời mình: hãy biết cách đầu tư thông minh và tin rằng quả lành sẽ đến. Bản chất việc thực hành này là gia tang tài sản và tiếp đó là quản lý một cách khôn ngoan, mà điểm mấu chốt là duy trì tài sản và gia tăng chúng cùng với lãi tức nếu có thể. Khi chúng ta nhận ra mình bớt đau khổ nhờ trí tuệ và hiểu biết có được, hy vọng tâm sẽ trở nên hào hứng muốn biết nhiều hơn. Điều này sẽ tạo nên động lực và đà quán tính để tiến bộ trong pháp hành. Nếu để những phiền não xâm chiếm mạnh mẽ, bạn sẽ bị khuất phục. Do đó, bạn hãy chăm sóc cho những trí tuệ có sẵn và nuôi dưỡng chúng thêm.
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya