Của-riêng, của-chung
Của-riêng, của-chung là vấn đề mà mỗi người có mỗi quan niệm không giống nhau.
Của-riêng
là thuộc quyền sở hữu của ta,
không liên quan đến người khác.
Của-chung
là của-chung đối với mọi người
trong đó có ta.
Thật ra, của-riêng của mỗi người chỉ có tính chất tạm-thời mà thôi, nên gọi là của-riêng tạm thời đối với mỗi người. Nếu người ấy chết, thì của-riêng tạm-thời của người ấy thuộc về quyền sở hữu của người khác.
Nếu của-riêng tạm-thời của người nào có được bằng cách bất hợp pháp, thì người ấy bị cơ quan nhà nước bắt phạt tù và tịch thu tài sản sung vào của-chung.
Cho nên, của cải tài-sản thuộc về quyền sở hữu của người nào chỉ là của-riêng tạm-thời của người ấy mà thôi. Trong đời này, không có thứ của cải nào gọi là của-riêng vĩnh-viễn thật sự của một người nào cả.
Trong đời này, tất cả của cải tài-sản, nhà cửa, đất đai, v.v… đều là của-chung. Nếu người nào có đại-thiện-nghiệp bố-thí nào có cơ hội cho quả, thì người ấy được thừa hưởng của cải tài-sản, nhà cửa, đất đai, v.v… thuộc về của riêng tạm-thời của người ấy, trong thời gian lâu hoặc mau tùy theo quả của đại-thiện-nghiệp ấy.
Bậc thiện-trí nào có đức-tin trong sạch nơi Tam-Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có chánh-kiến hiểu biết đúng (kammassakatāsammādiṭṭhi) rằng: chỉ có nghiệp là của-riêng vĩnh-viễn của ta mà thôi, nên biết sử dụng của cải thuộc về của-riêng tạm-thời của mình, đem tạo phước thiện bố-thí cúng dường đến chư Đại-đức tỳ- khưu-Tăng, gọi là đại-thiện-nghiệp bố-thí trở thành của-riêng vĩnh-viễn của bậc thiện-trí ấy.
Như vậy, chỉ có nghiệp là của-riêng vĩnh-viễn thật sự của ta mà thôi.
Trích “Luật Về Của Riêng Của Chung””
Tỳ Khưu Hộ Pháp
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo 2022