Vạn pháp phát khởi từ các nhân.
Khi bạn đã quán sát xong những thứ ở bên ngoài, thì hãy nhìn vào chính tâm bạn. Hãy quán sát mọi việc với tâm và thân. Như chúng ta được sinh ra, tại sao chúng ta khổ? Chúng ta khổ vì những thứ xưa cũ, nhưng chúng ta chẳng bao giờ suy nghĩ thấu đáo về chúng. Chúng ta không biết chúng cặn kẽ. Chúng ta khổ nhưng không thật sự thấy cái khổ. Khi sống tại gia đình, chúng ta khổ vì vợ con. Nhưng dầu có khổ bao nhiêu chúng ta cũng không thật sự thấy cái khổ – vì thế chúng ta tiếp tục khổ đau.
Khi tâm không định thì cũng giống như thế. Chúng ta không biết tại sao tâm không định. Chúng ta không thật sự thấy điều gì đang phát khởi. Đức Phật bảo chúng ta đi tìm nguyên nhân của những gì đang phát khởi. Vạn pháp phát khởi từ các nhân.
Giống như khi ta chế nước vào trong bình và đưa cho ai đó uống. Khi đã uống xong người đó sẽ trở lại, xin thêm – vì nước đó không phải là nước ở suối nguồn. Đó là nước trong bình. Nhưng nếu bạn chỉ nguồn nước cho họ và bảo họ lấy nước từ đó, thì họ có thể đến đó, tiếp tục uống nước mà không phải xin bạn thêm, vì nguồn nước không bao giờ hết.
Cũng thế khi chúng ta nhìn thấy vô thường, khổ và vô ngã. Nó sẽ thấm sâu vì chúng ta thật sự biết, chúng ta biết tất cả rốt ráo. Sự hiểu biết thông thường không rốt ráo. Nếu chúng ta biết vạn pháp rốt ráo, sự hiểu biết đó không bao giờ xưa cũ. Bất cứ thứ gì phát khởi, nó đã là chân lý. Khi hoại diệt, nó cũng là chân lý. Kết quả, đó là chân lý không ngưng nghỉ. Quan niệm cho rằng, “Đó là cách nó phải là. Cách đó là chân lý”: Nói được thế là bạn đã hiểu chúng, là khi bạn đã tự tại và thiện xảo. Bạn không phải khổ. Những vấn đề mà chúng ta quan tâm và bám víu sẽ dần dần tan biến. Như Đức Phật đã dạy, chỉ cần thấy rằng vạn pháp phát khởi rồi hoại diệt. Hoại diệt rồi lại phát khởi. Phát khởi rồi lại hoại diệt. Hãy quán sát Pháp đó không dừng. Thực hành nó miên mật, phát triển nó, vun trồng nó không dừng thì rồi bạn sẽ đạt được một trạng thái xả ly. Xả ly với cái gì? Xả ly với tất cả mọi thứ, mọi vấn đề.
Trích “Không Dừng Tu Tập”
Thiền Sư Ajahn Chah
(còn tiếp, xem Rõ Biết 8)