Ngày 28-04-2012
Câu hỏi 26:
Kính thưa Thầy, sự Thấy Biết vô tư trong sáng tự nhiên luôn sẵn có từ trong mỗi người, luôn hiện hữu khách quan khắp mọi nơi, mọi lúc vượt qua không gian và thời gian đó là sự Hồn Nhiên.
Hồn Nhiên trước mọi sự việc, mọi ý tưởng là sự sống đích thực với nguồn năng lượng tiềm ẩn thiên nhiên không bị giới hạn cản trở bởi bất cứ lý do gì. Trầm tĩnh, sáng suốt, tự tại từ tâm Hồn Nhiên Thấy Biết sự vận hành trong thân-tâm-cảnh ngay nơi giây phút hiện tại từ tư tưởng, nói năng, hành động một cách vô tư (vô vi, vô ngã) thì mọi ảo tưởng liền mất dạng. Có phải đây là sự tương đồng giữa Lão Tử và Đức Phật?
Trả lời:
Phải!
Khi thấy biết hồn nhiên
Liền tuệ tri thực tánh
Sống thuận pháp tùy duyên
An nhiên là cứu cánh.
Ngày 06-04-2012
Câu hỏi 27:
Vừa rồi trong một bài kệ Thầy có nói “An nhiên là cứu cánh”. Xin Thầy từ bi giảng giải ý nghĩa an nhiên là như thế nào. Con cám ơn Thầy.
Trả lời:
Mỗi khi xúc chạm việc đời*
An là không động không rời tự tâm
Nhiên là giản dị uyên thâm
An nhiên rõ biết, lặng thầm, vô ngôn.
*Được-mất, hơn-thua, thành-bại, vinh-nhục, vui-khổ v.v…
Ngày 07-05-2012
Câu hỏi 28:
Hôm nay như thường lệ, con mở trang web và đọc mục Hỏi Đáp Thầy trả lời cho các Phật tử. Sau khi đọc xong bài thơ thầy giảng về ý nghĩa hai chữ “an nhiên”, tự nhiên một trạng thái cảm xúc dâng lên trong con. Con cảm nhận lòng từ bi và ánh sáng trí tuệ của Thầy thật vô biên vô lượng!
Trả lời:
Cảm ứng đạo giao khó nghĩ lường
An nhiên thanh tịnh suốt mười phương
Niết-bàn, sinh tử thôi mơ mộng!
Tỉnh giấc, cười khan, chợt tỏ tường!
Trích “Chân Như Thực Tại”
Viên Minh