Nguyện lực hoàn hảo nhất (Adhiṭṭhāna pāramī) là buông hoàn toàn cái ta vi tế:
Nguyện lực và quyết định có liên quan mật thiết với nhau. Một khi đã phát nguyện thì phải quyết tâm không thối chuyển, nếu không, khi gặp khó khăn trở ngại bạn có thể thối chí ngã lòng và có khuynh hướng trở về an trú trong tánh không của chân đế. Như thế nghĩa là bạn có thể bất biến nhưng không có khả năng tùy duyên, tùy nguyện. Khi nào bạn có thể vừa sống hợp chân đế vừa hợp tục đế, tức là, vừa tùy thuận thực tánh vừa tùy thuận duyên sanh thì bạn mới có thể tùy duyên vô ngại.
Trong Thiền Tông, nhiều thiền giả tưởng kiến tánh là xong, nên họ chỉ trú trong chân không mà xem thường lãnh vực diệu hữu. Cũng vậy, trong Thiền Vipassanā, thấy được thực tánh, nhiều thiền giả tự khép kín trong chân đế, không màng gì đến cuộc đời. Thái độ sai lầm này là một trong những phiền não chướng của thiền tuệ. Vì vậy, ở mức độ này, quyết định hay nguyện lực ba-lamật là vô cùng cần thiết để không rơi vào trầm không trệ tịch.
Lấy tâm nguyện sống vô ngã vị tha làm bài học tự giác và chia sẻ sự giác ngộ với mọi người, không chỉ lo an lạc giải thoát cho riêng mình, chính là buông cái ta vi tế chấp không để sống “vì hạnh phúc chúng sinh, vì an lạc cho đời” như Đức Phật khuyến dạy Đại Chúng. Như vậy quyết định là yếu tố hoàn hảo thoát ly cái ta vi tế nên được gọi là nguyện lực hay quyết định ba-la-mật (Adhiṭṭhāna pāramī).
Trích Chương 9 “Ngay đó là bờ”
Sống Trong Thực Tại
Thiền Sư Viên Minh
(còn tiếp, xem Rõ biết 39)