Chân thực hoàn hảo nhất (Sacca pāramī) là buông hoàn toàn cái ta ảo vọng
Một tia chớp có thể lóe lên rồi tắt, bóng tối lại ập vào. Cũng vậy, bạn có thể phát hiện ra thực tánh và cái ta ảo tưởng, nhưng vô minh ngủ ngầm sẵn sàng đợi thời cơ, chỉ cần bạn thiếu cảnh giác liền nương theo thói quen nhảy vào tái tạo cái ta ảo tưởng khác, ngụy trang dưới những hình thức tinh vi hơn: đó là sở đắc của bạn.
Vì vậy, giờ đây một mặt
bạn phải hết sức chú tâm
vào thực tại chân đế,
mặt khác bạn phải thận trọng quan sát
thực tại tục đế thật rõ ràng
để phát hiện lập tức bất cứ
hình thức bản ngã nào xuất hiện,
để nó không thể che lấp được thực tại chân đế. Động tác này được Đức Phật gọi là hộ trì chân đế.
Khi đã tuệ tri thực tánh pháp, thì hộ trì chân đế có nghĩa là sống trọn vẹn trong pháp tánh, đó là chân thực ba-la-mật. Trong chân thực ba-la-mật không còn ảo tưởng của bản ngã vô minh, vì luôn sống trọn vẹn trong thực tại chân đế. Thực ra, không ai có thể rời được thực tại chân đế, chỉ vì cái ta ảo vọng che mờ nên không thấy mà thôi. Vì vậy, việc hộ trì chân đế không phải là cố gắng gìn giữ bất kỳ một trạng thái sở đắc nào. Ngay khi xem chân đế như một sở đắc thì khái niệm đã khởi lên, không còn là chân đế nữa.
Vậy việc hộ trì chân đế không có nghĩa là giữ lại một trạng thái nào mà chỉ cần buông cái ta bám víu khái niệm đi thì ngay đó pháp chân đế tự hiển lộ trong trạng thái tự nhiên của nó. Như vậy sống chân thực với pháp là yếu tố thoát ly hoàn hảo được gọi là chân thực ba-la-mật (sacca pāramī).
Trích Chương 9 “Ngay đó là bờ”
Sống Trong Thực Tại
Thiền Sư Viên Minh
(còn tiếp, xem Rõ biết 37)