spot_img
spot_img
spot_img

Rõ biết 160

Thư Thầy Trò (1)
Hạnh phúc là những điều bình dị nhất
Tác giả: Viên Minh – Minh Nguyên

 

Thầy kính mến,

Con không biết dùng từ ngữ nào để diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ khi con được biết Thầy và được Thầy coi là học trò. Con muốn viết từ này để tâm sự với Thầy tất cả những suy nghĩ chân thực nhất trong lòng con.

Lúc đầu, con suy nghĩ Thầy đã nhiều tuổi, công việc Phật sự đa đoan, bộn bề. Những nỗi niềm của con thực sự cũng là những nỗi niềm của biết bao người trước đây đã viết thư tâm sự với Thầy và Thầy đã viết thư trả lời lại. Con nghĩ rằng, đọc hết những gì Thầy viết và chia sẻ với mọi người, con cũng sẽ tự tìm được câu trả lời mà không phiền Thầy phải bận tâm. Nhưng rồi, con lại nghĩ, những tâm sự của con, con chưa bao giờ tâm sự cởi mở hết với một người nào. Con lại cảm thấy cần được tâm sự với một người mà con tôn kính. Vì thế, mong Thầy từ bi lắng nghe nỗi lòng con Thầy nhé.

Thầy ơi,

Con sinh năm 1980, như vậy năm nay con 30 tuổi. Cuộc đời con đã trải qua nhiều nỗi đau khổ. Con mất mẹ từ khi còn học lớp 9. Nhưng lúc đó, con chỉ cảm thấy buồn, đau khổ và mất đi tình cảm của người mẹ.

Có lần, ở Cung Văn Hoá Hữu Nghị Việt Xô tổ chức Đại hội Phật giáo Toàn quốc, con đi qua và đứng xem. Từ trên xe ôtô, hàng đoàn đi xuống. Con nhìn thấy một đoàn mặc y phục rất lạ, nhưng con không hiểu gì cả, cũng chỉ nghĩ đó là người xuất gia thôi. Nhưng hình ảnh những chiếc y vàng đó cũng để lại trong lòng con một sự rung động lạ thường. Thời gian trôi đi, con vẫn đến chùa, đi chùa để cầu xin vào rằm và mồng một. Con thấy biển học Phật mênh mông quá. Con như chơi vơi không biết đâu là bờ bến. Trong lòng con trào lên một suy nghĩ là mong muốn tìm được con đường chính pháp, và người Thầy để khai thị, chỉ bảo, dìu dắt con.

Thời gian trôi đi, con cũng tự lập và cố gắng học hành để ra trường và đi làm. Rồi con lập gia đình với một người bạn học từ thời sinh viên. Chồng con là một người tốt, hiền lành, thông minh, đã thấu hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của con. Con sống ở miền Bắc, thậm chí con cũng đi du lịch vào Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu. Nhưng dường như, chưa đủ duyên nên dù đi rất nhiều chùa ở miền Nam, con cũng chưa từng đặt chân đến một ngôi chùa Nam Tông nào cả.

Năm 2009, con vừa sinh con xong thì biết tin chị con bệnh nặng lắm. Con không bao giờ tin rằng, người chị thân yêu của con lại tàn tạ, đau đớn như vậy. Con không đủ can đảm đối diện với sự thật. Một thời gian dài, tâm lý con không bình thường, gọi là khủng hoảng ấy Thầy ạ. Con cũng không muốn biết chị ấy bị bệnh gì. Đến cả bây giờ con cũng không biết, chỉ nghe mọi người nói là chị ấy bị ung thư. Con không dám nhìn vào sự thật và cũng không dám tin sự thật Thầy ạ. Con không tin một người chị xinh đẹp, trẻ trung của mình lại có ngày nằm trên giường, cơ thể tàn tạ, rồi nằm bất động, tóc rụng hết thành đầu trọc… Đau lòng quá Thầy ơi… Trước đó, chồng chị cũng đã đưa chị sang nước ngoài chữa chạy, tốn rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng không thành công, về Việt Nam cũng tìm những bệnh viện và bác sĩ tài ba nhưng… Trong những tháng ngày cuối cùng, chị không muốn về nhà mà muốn ở bệnh viện, chị muốn ra đi tại bệnh viện, vì chị sợ rằng nếu mất ở nhà sẽ làm con trai chị ấy sợ Thầy ạ. Những ngày đó, vào bệnh viện, con chứng kiến những bệnh nhân ung thư, họ cũng tàn tạ, héo mòn, thân thể họ biến hoại… Họ nằm vật vờ từ chân cầu thang, đến hành lang, đến những phòng bệnh đông nghẹt người…

Ôi chao, thời gian đó, có lẽ con bị khủng hoảng nặng Thầy ạ. Đôi khi, con cứ nhớ nhớ, quên quên, rồi những cơn đau đầu khủng khiếp mà con uống thuốc không thể nào khỏi được… Con luôn sống trong tâm trạng lảng tránh sự thật, một tâm trạng mơ hồ đầy đau khổ Thầy ạ. Rồi một sáng, con linh tính thế nào đó, không thể tự đi xe máy được, sáng sớm con bắt xe ôm đi vào bệnh viện. Trên đường đi con có rẽ vào chùa Quán Sứ, con quỳ dưới chân Phật, dưới chân Bồ Tát cầu xin hãy cho chị ấy được sống. Con chị ấy còn nhỏ, con chị ấy cần có mẹ…

Rồi con vào bệnh viện, chị nằm trên giường bất động, người chị hôi quá nên mọi người bế chị lên xe lăn đưa chị vào nhà tắm. Con nhìn thấy đau lòng không kể xiết… Rôì chị nằm trên giường, chị có vẻ tỉnh táo. Con và chị bắt đầu nói chuyện với nhau. Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa con với chị. Con vuốt má chị, nói rằng con yêu chị lắm, chị có biết không. Chị bảo, chị cũng vậy. Rồi bất giác chị cầm tay con và hỏi: “M. có biết thế nào là hạnh phúc không?” Con lắc đầu. Chị bảo: “Hạnh phúc là những điều bình dị nhất M. ạ”. Con khóc, chị bảo: “Sao M. lại khóc, đừng sợ chị chết” rồi chị cầm tay con, nói: “M. ơi, bây giờ đây bên em chị cảm thấy rất hạnh phúc”…

Con biết điều chị lo nhất khi từ giã cõi đời này là đứa con trai của chị. Chị chỉ có một đứa con trai học lớp 5. Con bảo với chị: “Còn thằng Mh – con trai chị, chị đừng lo. Nhiều đứa trẻ không có mẹ lớn lên vẫn là người hữu ích, thành đạt”… Đến trưa, con về nhà, vì lúc đó, con trai con mới được vài tháng…

Ngay sau khi con rời bệnh viện về nhà thì chị rơi vào hôn mê, được đưa xuống phòng cấp cứu. Đưa xuống phòng đó, có nghĩa là… Chiều con đến, mọi người biết chị khó qua được, chắc chỉ còn sống một, hai ngày nữa… Con vào ngồi cạnh chị, con lấy điện thoại bật cho chị nghe bài kinh Tam Quy tụng bằng tiếng Pāli: “Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi. Sanghaṃ   saranaṃ gacchāmi” (Con xin quy y Phật, Con xin quy y Pháp, Con xin quy y Tăng). Lúc hôn mê, rồi hồi tỉnh, con hỏi chị nghe thấy hay và thanh thản không, chị gật đầu. Con để cho chị nghe suốt bài kinh đó… Lúc chị tỉnh, mọi người đưa con chị vào gặp chị, như cuộc gặp gỡ lần cuối. Con chị vào, nó oà lên khóc, dụi đầu vào ngực chị gọi mẹ ơi. Chị cũng khóc nhưng tỏ ra không muốn con mình chứng kiến cảnh đớn đau tàn tạ của mình. Mọi người sợ quá lại phải đưa nó về.

Ngày hôm đó, là ngày đầu chị nằm phòng cấp cứu. Ngày hôm sau – ngày hôm sau cũng là ngày cuối cùng chị ở lại thế gian này. Hôm đó, lúc tỉnh, chị tự nhiên đòi mọi người đưa con chị vào để gặp chị. Chị dặn chồng, nhờ ông nội đưa con chị đến, nhớ bảo nó mang giấy khen và phần thưởng vào để chị xem… (vì lúc đó cháu vừa kết thúc lớp 5). Lần này, con chị vào, chị không khóc như hôm qua, mà ngược lại, chị rất vui. Chị không hề tỏ ra đau đớn, hay buồn rầu. Khuôn mặt chị ngời sáng hạnh phúc. Nó đưa giấy khen ra cho chị xem, chị mỉm cười. Rồi chị bảo xem phần thưởng, chị thấy có gói bim bim. Chị bảo nó bóc bim bim ra. Hai mẹ con cùng ăn. Nó ăn một miếng, chị ăn một miếng cho đến hết gói. Chị cười bảo con gắng học giỏi nhé, rồi nhờ ông nội đưa con chị về. Con nói với chị: “Em thật có lỗi với chị, em không chăm chị được ngày nào.” Con hỏi chị có muốn con tặng chị cái gì không, chị bảo rằng không. Chị nói với con chị thương anh con lắm (anh ruột của con), chị định mua cho anh ấy cái xe máy mới mà chưa mua được. Con hứa sẽ thay mặt chị mua xe tặng anh ấy. Ngay hôm đó, con đã mang tiền vào bệnh viện để cho chị nhìn thấy và yên tâm là con đã đưa anh ấy tiền mua xe mới. Đến tối, con nói với chị: “Em ở lại đây với chị chị có yên tâm không”, chị gật đầu. Con ở lại đêm hôm đó.

Đến 10 giờ đêm, chị đuổi con về. Con giả vờ về nhưng ra đứng ngoài hành lang. Từ lúc đó, chị không còn nói gì nữa, chị rơi vào hôn mê. Đến hơn 12 giờ đêm, chị tắt hơi thở và ra đi. Lúc chị trút hơi thở cuối cùng, có một con bướm đen rất to bay lượn khắp phòng và giông tố kéo đến. Trời đổ mưa rất to. Người con run lẩy bẩy, con không đủ can đảm vào phòng nhìn chị lần cuối. Chỉ có anh ruột con. Anh ấy là người đánh răng lần cuối cho chị… Con đứng ngoài, nhìn lên khoảng không, thấy như chị đang đội mũ rồi mỉm cười rất tươi… Mọi người đưa chị vào nhà xác. Con đứng lặng nhìn theo. Mưa lúc đó tự nhiên nhẹ hạt xuống. Trong khoảng lặng đó, con tự nhiên giật mình nhận ra: Con vừa trải qua một cơn mộng. Cuộc đời này quả thật chỉ là một giấc mộng!…

Nỗi đau này, vẫn chưa nguôi ngoai theo thời gian. Nó vẫn ùa về trong lòng con. Vẫn biết cuộc đời là vô thường, khổ, vô ngã. Vẫn biết cuộc đời này không tránh khỏi sinh ly tử biệt. Người ở lại trần gian, người đi qua thế giới khác. Vẫn biết rằng, vô thường có thể đến với chính con… Vẫn biết rằng, cuộc đời này là luân hồi sinh tử… Mà sao, nước mắt con vẫn rơi… Khi chị con ra đi, nhiều lúc, con vẫn nghĩ, chị ấy còn sống, chị ấy đang ở đâu đó thôi, con vẫn còn một người chị thân yêu… Nỗi đau lớn đó giúp con nhận ra bản chất thật của cuộc đời, giúp con nhận ra sự thật vô thường, khổ, vô ngã. Và giúp con đi tìm con đường giải thoát. Vì vậy, con mong Thầy từ bi đón nhận con và dìu dắt con trên con đường này. Bây giờ, con dành phần lớn thời gian đọc sách và học giáo lý. Bên cạnh đó, con cũng mong được Thầy chỉ dạy để tâm con an định và sáng suốt.

Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân Thầy!

Con, đệ tử Minh Nguyên.

Minh Nguyên con,

Đọc thư con thầy rất xúc động. Mặc dù chưa hề gặp, chỉ mới biết thầy qua trang web, con vẫn tin tưởng tâm sự hết niềm vui nỗi khổ của mình. Con đừng ngại, thật ra muốn chia sẻ với mọi người, thầy rất cần lắng nghe, học hỏi, chiêm nghiệm, thấu hiểu được những nỗi khổ rất chân thực và đa dạng giữa cuộc đời. Như vậy thầy cám ơn con mới phải.

Chính những nỗi khổ đau – mất mẹ, xa cha từ khi con còn chưa đủ lớn, rồi giây phút vĩnh biệt bất ngờ của người chị thân thương xinh đẹp đã ra đi trong đớn đau tàn tạ – đã âm thầm giúp con nhận ra bản chất vô thường, khổ không, vô ngã hiển nhiên của đời sống. Thỏa mãn trong niềm vui làm cho người ta dễ rơi vào chìm đắm, lúc bấy giờ nỗi khổ sẽ đến như một lời cảnh tỉnh, đánh thức họ ra khỏi tình trạng mê lầm – không nhận ra đâu là hạnh phúc đích thực, đâu chỉ là ảo mộng.

Nhiều người cứ mải mê lăng xăng đi tìm sự thành đạt, sở đắc, thú vui và chiến thắng, mà quên đi bài học thật sâu sắc mầu nhiệm trong thất bại, mất mát, đớn đau và thua thiệt. Không ai giác ngộ từ những lạc thú ở đời, mà ngay khi nhận chân được bản chất của những nỗi khổ đau phiền muộn thì niềm hạnh phúc bình dị nhất, mà cũng là tuyệt vời nhất liền xuất hiện. Trong một cơn đau thập tử nhất sinh thầy đã nhận ra được chân lý này:

“Tự do là ung dung trong ràng buộc.
Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”.

Con có nhớ, trong tận cùng của sự đớn đau và cái chết chị con đã cầm tay con mà nói “M. có biết thế nào là hạnh phúc không?… Hạnh phúc là những điều bình dị nhất M. ạ”. Bởi vì chính khi bản ngã bất lực trước nỗi đau và cái chết, buông xuống mọi ước vọng cao xa, kể cả ước mơ được sống, chị con mới nhận chân ra rằng bấy lâu mình cứ mãi cố gắng vượt lên cái bình thường giản dị nhất đang sẵn có để vươn tới một tầm cao ảo vọng, mà không biết rằng ngay trong bình dị nhất thì dù là nỗi đớn đau cũng chính là niềm an lạc. Chị con đã nói: “M. ơi, bây giờ đây bên em chị cảm thấy rất hạnh phúc”…  dù con biết rằng chị con đang trong cơn đau nhức nhối. Và chị không còn sợ con trai mình thấy mình đớn đau tàn tạ như trước đó nữa, vì trong lòng chị đã bắt đầu cảm nhận được một niềm an vui tự tại. Nên lần này, khi con chị vào thăm, chị không khóc, không hề tỏ ra đau đớn, hay buồn rầu, khuôn mặt chị ngời sáng hạnh phúc, như ngày đó con đã tận mắt chứng kiến, phải không con?

Chị con đã ra đi rất bình an thanh thản. Một cái chết thật tuyệt vời so với những ai còn sống trong ảo mộng xa vời. Chính khổ đau đã cứu chị con ra khỏi cơn mê của những người kiếm tìm chân trời viễn mộng mà không thấy được niềm vui trong cái giản dị bình thường. Chị con chết nhưng đã thấy ra một sự thật rất khó thấy là: “Đôi khi sống nhưng dường như đã chết, lúc chết đi thì vẫn mãi sống còn”. Nếu thấy ra cái chết tuyệt vời đó con sẽ không nói “Nỗi đau này, vẫn chưa nguôi ngoai theo thời gian. Nó vẫn ùa về trong lòng con…  dẫu biết cuộc đời này không tránh khỏi sinh ly tử biệt”.

Tất nhiên, với biết bao kỷ niệm thân thương gắn bó trong tình nghĩa chị em ruột thịt, đã từng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cọng khổ trong cùng một cảnh ngộ thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, thì làm sao tránh khỏi đau buồn tiếc thương khi chia tay vĩnh biệt. Nhưng sâu xa hơn, người ta rất dễ bị khủng hoảng trước một sự biến đổi quá bất ngờ không lường trước được. Hụt hẫng chỉ xảy ra cho những ai còn nuôi dưỡng ý niệm ta và của ta hoặc hy vọng đường đời luôn bằng phẳng êm xuôi, sóng yên biển lặng. Càng mong thuận buồm xuôi gió càng khó chịu đựng những bước thăng trầm trên hành trình cuộc sống, khó sẵn sàng để thích nghi với những tình huống bất ngờ.

Con có biết ý nghĩa vì sao niệm Phật lại không được “hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh” ngay khi còn sống mà phải đợi đến khi chết đi mới được Phật A-di-đà tiếp dẫn vào cõi Tịnh Lạc không? Niệm Phật là để phá trừ mọi hình thức tạp niệm do dính mắc trong quá khứ, hiện tại và vị lai, cho đến khi đạt được nhất niệm thanh tịnh. Tuy nhiên, dù tạp niệm không còn mà vẫn còn một niệm để bản ngã có chỗ bám víu, dính mắc thì vẫn chưa hoàn toàn dứt vọng. Khi còn cái ta vọng tưởng thì mặt trời trí tuệ vẫn còn bị mây mờ (vô minh) che ám, không thể nào rỗng lặng chiếu soi. Vì vậy, cái ta dù tạp niệm hay nhất niệm cũng phải chết đi trong vô niệm thì tánh biết vô ngã mới hiển lộ hoàn toàn thanh tịnh sáng suốt. Bấy giờ tánh giác sẽ soi đường chỉ lối cho mọi hành động, nói năng, suy nghĩ trong vô niệm thanh tịnh, nên gọi là Phật A-di-đà tiếp dẫn vào cõi Tịnh Lạc. Phật A-di-đà, thực ra, chính là tánh biết trong sáng vô lượng sẵn có ở mỗi người nhưng xưa nay bị cái ta vọng tưởng che ám nên chúng sinh vẫn mãi si mê lầm lạc trong luân hồi sinh tử, ba cõi sáu đường. Bản ngã chưa chết đi thì chỉ còn vướng một niệm thôi vẫn chưa thể nào đến được “Cửu Phẩm Liên Hoa”  nơi bỉ ngạn.

Thiền Tông có một công án tuyệt vời là “Ai niệm Phật?” để giúp chúng ta nhảy bước nhảy cuối cùng trên đầu sào trăm trượng: Từ chỗ nhất niệm, cái ta chết đi trong thênh thang vô niệm. Đó tất nhiên không phải là cái chết lâm sàng – trút hơi thở cuối cùng lìa bỏ cuộc đời – vì dù chết mà vẫn còn hữu ngã trong không thời gian hữu hạn thì làm sao “Cửu Phẩm Liên Hoa” xuất hiện để “hoa khai kiến Phật ngộ Vô Sanh” được. Vậy phải chết đi cái ta ảo tưởng thì mới thật sự sống bất tử ngay nơi thực tại hiện tiền. Đó chính là Niết-bàn: tối thượng an nhiên tịch tịnh (Nibbānaṃ: santī paramaṃ sukhaṃ) mà Phật Tổ Gotama đã dạy.

Tâm không làm muôn việc
Công đức trả về không
Sống nhờ ơn không tạng
Chết từ thuở lọt lòng!

Nếu ý niệm cái ta ảo tưởng vừa sinh khởi liền chết đi thì chúng ta mới không lăng xăng hữu vi tạo tác và thật sự sống vô kỷ, vô công, vô danh trong vô vi của Lão Tử. Hoặc sống thong dong tự tại, thuận pháp tùy duyên, làm mọi việc vô ngã vị tha mà vẫn không, vô tướng, vô nguyện như chưa từng làm gì cả trong hành động duy tác  của các bậc Thánh nhân.

Có lẽ con nghĩ rằng điều này nghe rất lý tưởng nhưng làm sao có thể sống được vô vi, vô ngã như vậy? Thực ra, nói thì đầy ngôn ngữ cao xa phức tạp, nhưng trên thực tế lại giản dị hơn nhiều. Chỉ cần con sống trọn vẹn với phút giây hiện tại: hành động, nói năng, suy nghĩ sáng suốt, định tĩnh, trong lành; luôn biết rõ chính mình trong tương giao với cuộc sống là con có thể dễ dàng thoát khỏi sự ràng buộc của tư niệm, thời gian, bản ngã và mọi khổ đau phiền muộn.

Chúc con có đủ trầm tĩnh, sáng suốt để đối diện nỗi đau khó nguôi ngoai ấy với một niềm tin không còn lay động nữa. Thân ái chào con.

Thầy Viên Minh

 

 

RELATED ARTICLES

Rõ biết 252

Rõ biết 251

Rõ biết 250

Weather

Australia
overcast clouds
23.5 ° C
23.5 °
23.5 °
38 %
10.4kmh
100 %
Thu
23 °
Fri
31 °
Sat
34 °
Sun
35 °
Mon
38 °

CALENDAR

LATEST NEWS

PRAISE Summit 2024

Rõ biết 252

Rõ biết 251

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe