Truyền thông trong quan hệ lâu dài
Trong trường hợp của những mối quan hệ lâu dài, ví dụ như trong một gia đình, chúng ta thường có ý nghĩ rằng khó mà có sự thay đổi.
Chúng ta nghĩ rằng
đáng lẽ người kia phải thay đổi
nhưng không thay đổi và chúng ta bỏ cuộc.
Nhưng chúng ta cần chấm dứt mọi phán xét
và trở về truyền thông với chính mình.
Nếu chờ cha mẹ hay người bạn đường thay đổi thì biết tới bao giờ?
Cách hay nhất là
ta phải tự mình thay đổi trước đã.
Không nên đòi hỏi, ép buộc người khác phải thay đổi. Mặc dù cần phải mất rất nhiều thời gian, ta sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn khi nhận thấy
mình đã làm chủ được mình,
và đã hành xử một cách tốt đẹp nhất.
Đôi khi vì một ai đã làm ta bực mình mà ta muốn mở lời trách móc. Nếu ta hấp tấp trách mắng thì người kia cũng sẽ bực mình và cả hai, ta và người ấy, đều bực mình, đều trở nên khó chịu. Trời xanh, hoa thắm đều như tan biến. Chỉ còn hai khối giận sáp mặt. Đây là một trường hợp “leo thang xung đột, leo thang khổ đau”. Trong trường hợp này, ta phải tìm cách thoát ra khỏi tình huống đau khổ, trở về với mình, tìm lại bình an cho đến khi cảm thấy có đủ khả năng để giải quyết khó khăn trong thương yêu.
Chỉ khi đã cảm thấy bình tĩnh ta mới mời người kia nói chuyện. Ta có thể xin lỗi là đã không hiểu rõ người ấy nhiều hơn. Ta chỉ nói những lời ấy khi đã sẵn sàng. Rồi ta lắng nghe sâu sắc người ấy mặc dù người ấy than vãn, trách móc hay nói lời cay đắng. Ta có thể khám phá ra rằng người ấy đã có nhiều nhận thức sai lầm về ta và về sự việc đã xảy ra nhưng ta đừng ngắt lời họ. Hãy để cho họ nói. Hãy để cho người ấy nói ra hết tâm tư của mình và có cảm tưởng là ta đã nghe và đã hiểu. Ta tiếp tục theo dõi hơi thở trong khi người ấy nói. Ta sẽ tìm cách giải tỏa hiểu lầm, bằng phương tiện thiện xảo, thương yêu, và từ từ thông cảm sẽ được hồi phục.
Nếu ai đó nói ra một điều không đúng sự thật thì ta đừng ngắt lời người ấy:
“Không, không, tôi đâu có ý ấy!”.
Hãy để cho người ấy nói ra khó khăn của mình.
Nếu ta ngắt lời thì người ấy sẽ không còn ý muốn nói và sẽ không nói hết ra những gì cần nói. Ta có dư thì giờ. Có thể ta cần bỏ ra nhiều ngày quán chiếu sâu sắc để có thể nói một cách khéo léo cho người kia biết nhận thức sai lầm của mình, khi người ấy sẵn sàng nghe ta. Ta và người ấy có thể giận nhau nhiều năm tháng chỉ vì một lý do nào đó và ta đã bị kẹt trong tình huống đó và không thể thay đổi hoàn cảnh. Nếu bạn có thể hiểu người ấy một cách sâu sắc thì bạn có thể hòa giải. Thương yêu, ái ngữ, và lắng nghe sâu là những phương tiện hữu hiệu nhất để tái lập truyền thông. Nếu ta biết tìm hiểu và biết tự chuyển hóa thì ta có thể giúp người ta thương.
Đôi khi, ta ở trong một môi trường không mấy lành mạnh và ta không có không gian để truyền thông với chính mình. Đôi khi ta phải thay đổi môi trường chung quanh ta. Đôi khi ta nghĩ rằng cắt đứt quan hệ hay ly dị là giải pháp duy nhất. Điều ấy có thể xảy ra trong một tình huống đầy bạo động và áp bức. Cho nên ta cần có một môi trường mà ta cảm thấy được bình an, không bị đe dọa. Nhưng trong một quan hệ mà cả hai người đều thương yêu nhau, không muốn gây hại cho nhau mà không biết làm sao để truyền thông thì có thể có những giải pháp khác. Có nhiều người cho rằng ly dị là một giải pháp. Nhưng sau khi đã cùng nhau ký vào tờ ly dị, họ tiếp tục đau khổ. Nếu hai người còn có con cái, tiền bạc, tài sản thì cả hai còn phải vương vấn nhiều năm. Ta không thể tách rời người kia ra khỏi ta. Ta không thể tách rời ta ra khỏi người kia. Đau khổ vẫn triền miên. Vậy thì vấn đề không phải là ta và người thương của ta có nên tiếp tục chung sống với nhau hay không. Vấn đề là hai bên có thể tìm hiểu nhau, có thể sử dụng ái ngữ, lắng nghe, mặc dù cơ sự xảy ra như thế nào đi nữa.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh