Câu thần chú thứ hai
Không nên sử dụng câu thần chú thứ hai này nếu chưa thực tập câu thần chú thứ nhất và
thực sự có mặt.
Vì chỉ khi đã thực sự có mặt bây giờ và ở đây thì ta mới có thể nhận diện sự có mặt của người kia. Câu thần chú thứ hai là:
“Anh biết em có đó, anh rất hạnh phúc”.
Ta muốn cho người thương của ta biết rằng sự có mặt của người ấy là rất quan trọng cho hạnh phúc của ta.
Câu thần chú thứ hai
xác nhận rằng
ta đã thực sự thấy người ấy.
Đây là một điều tối quan trọng bởi vì nếu có một ai không ngó ngàng tới ta thì ta không thể nào cảm nhận được là người kia thương yêu ta. Ta có thể nghĩ rằng người thương của ta đang vì bận tâm tới một việc gì cho nên không thấy được ta. Người thương của ta có thể đang lái xe mà tâm lo nghĩ về những chuyện gì khác và không biết rằng có ta ngồi một bên trong xe. Ta không được người kia chú ý tới. Thương yêu có nghĩa là ý thức sự có mặt của người mình thương và ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là quý báu vô cùng. Ta sử dụng năng lượng của chánh niệm để ghi nhận và ôm ấp sự có mặt của người ta thương.
Ôm ấp trong chánh niệm như thế
sẽ làm cho người kia
tỏa rạng như một bông hoa.
“Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.”
Câu thần chú này
xác nhận lại một lần nữa rằng
người kia là rất quan trọng cho ta.
Câu thần chú thứ hai này,
cũng như câu thần chú thứ nhất,
chỉ có hiệu quả nếu ta
theo dõi hơi thở có ý thức khi nói.
Hãy tưởng tượng là người kia không có mặt lúc đó, người kia đã đi xa hay quá vãng. Ta có thể cảm thấy thiếu sót. Bây giờ người kia đang có đó trước mắt ta và ta rất hạnh phúc. Vì vậy mà ta phải thực tập câu thần chú thứ hai này để tự nhắc nhở rằng sự có mặt của người kia là một món quà rất quý báu cho ta.
Khi một ai nói với ta là người ấy thương yêu ta nhưng không đếm xỉa gì tới ta, không biết rằng ta có mặt tại đó thì ta không thể nào cảm nhận tình yêu của người ấy. Cho nên, nếu ta thương yêu ai thì phải ghi nhận rằng sự có mặt của người ấy là vô cùng quý giá cho ta. Câu thần chú thứ hai này cần được thực tập mỗi ngày, nhiều lần trong ngày. “Tôi biết em có đó và tôi rất hạnh phúc.”
Câu thần chú này, cũng như câu thần chú thứ nhất, có thể nói lên bất cứ lúc nào – trong sở làm, trong bữa ăn, hay qua điện thoại. Ta cũng có thể gửi qua email cho một người ở xa, hay lâu không gặp. Hai câu thần chú ấy nếu chưa quen nói thì khi nói ra lần đầu có vẻ “ngượng ngập”, nhưng khi thấy rõ hiệu quả thì dễ nói ra hơn. Với hai câu thần chú này, ta và người kia có thể cảm thấy hạnh phúc ngay lập tức, nhanh hơn cả ly “cà phê uống liền” (instant coffee). Nhưng ta phải nhớ một điều,
một câu thần chú
chỉ có hiệu quả
khi ta biết thể hiện
sự có mặt của mình
và nói lên trong chánh niệm.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh