Lắng nghe sâu
Khổ đau trong ta và chung quanh ta có thể làm ta choáng ngợp. Thường thường ta không muốn đối diện khổ đau vì ta không mấy thoải mái khi đối diện chúng. Thị trường đầy rẫy những phương tiện giúp ta trốn tránh khổ đau. Chúng ta tiêu thụ để lãng quên và che lấp khổ đau trong ta. Dù không đói, chúng ta vẫn ăn. Dù cho chương trình tivi không mấy hấp dẫn, chúng ta không có can đảm tắt máy bởi vì nếu chúng ta tắt tivi thì chúng ta phải trở về đối diện với khổ đau trong ta. Ta tiêu thụ không phải vì nhu cầu mà vì sợ phải đối diện khổ đau trong mình.
Nhưng có một cách giúp ta đối diện khổ đau mà không bị choáng ngợp. Chúng ta tránh né khổ đau bởi vì chúng ta không ý thức rằng khổ đau cũng có ích. Chúng ta cần tới khổ đau. Trở về để lắng nghe và thấu hiểu khổ đau, ta phát khởi từ bi và thương yêu. Nếu để thì giờ lắng nghe khổ đau thì có thể hiểu được khổ đau. Khổ đau sẽ triền miên nếu không được giải tỏa và chấp nhận. Nếu không thấu hiểu và chuyển hóa khổ đau thì ta mang hoài khổ đau, không chỉ khổ đau của riêng ta mà cả khổ đau của tổ tiên. Tiếp xúc với những khổ đau do tổ tiên trao truyền giúp ta thấu hiểu khổ đau của chính chúng ta. Hiểu thấu khổ đau đưa đến từ bi. Thương yêu sẽ phát hiện và lập tức ta bớt khổ. Nếu biết rõ tính chất và gốc rễ của khổ đau, con đường giải thoát khổ đau sẽ hiện rõ trước mắt. Biết rằng có con đường thoát, ta nhẹ nhõm và không còn sợ hãi.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh