Khổ đau của tổ tiên
Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ tiên ta. Cha mẹ, tổ tiên ta đã không có cơ may thực tập chánh niệm, vì thế mà không chuyển hóa được khổ đau của mình và đã trao truyền khổ đau đó cho ta. Nếu ta hiểu biết và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ, tổ tiên thì chúng ta chữa trị cho cha mẹ, tổ tiên và đồng thời cũng chữa trị cho chính ta.
Khổ đau của ta phản ảnh khổ đau của thế giới. Kỳ thị, bóc lột, nghèo đói, và sợ hãi gây nên khổ đau chung quanh ta. Khổ đau của ta cũng phản ảnh khổ đau của những người khác. Ta có ý muốn tìm cách làm vơi bớt khổ đau trên thế giới. Nhưng nếu không hiểu rõ thực chất của khổ đau thì ta không thể thực hiện ý nguyện ấy được. Nếu hiểu rõ khổ đau của chính ta thì ta có thể hiểu rõ dễ dàng khổ đau của những người khác và của thế giới. Chúng ta có thể có thiện chí muốn làm một việc hay đóng một vai trò để giúp cho thế giới bớt khổ đau. Tuy nhiên, nếu chúng ta không trở về với khổ đau của chính mình, ghi nhận đau khổ của chính mình thì chúng ta không thể giúp gì được.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh