Thiền hành
Bước chân chánh niệm là một cách mầu nhiệm đem tâm về với thân. Bước chân chánh niệm còn cho ta cơ hội tiếp xúc với nguồn nuôi dưỡng và trị liệu bên ngoài ta: địa cầu. Bước một bước với ý thức trọn vẹn là ta đang tiếp xúc với mặt đất, với địa cầu thì không còn cách biệt giữa thân và tâm. Thân là hơi thở. Thân là bàn chân. Thân là buồng phổi. Và khi ta liên kết với bước chân, với hơi thở là ta đã về nhà.
Mỗi bước chân đem ta về nhà, về với bây giờ và ở đây, để ta có thể liên kết với ta, với thân, với cảm thọ của ta. Đây là một liên kết thật sự. Ta không cần có một thiết bị (device) nào để cho ta biết ta có bao nhiêu bạn (như Facebook), ta đã bước bao nhiêu bước, đốt bao nhiêu ca-lo-ri (calories).
Khi bước đi trong chánh niệm ta phối hợp mỗi bước chân với hơi thở, chú tâm vào bước chân đang in dấu trên mặt đất. Bước một bước ta ý thức ta đang bước đi một bước và chấm dứt hoàn toàn suy nghĩ. Khi suy nghĩ ta đánh mất ta. Ta không còn biết những gì đang xảy ra trong thân, trong cảm thọ, hay những gì đang xảy ra ngoài ta. Suy nghĩ khi đang đi không thực sự là đi.
Thay vào đó ta phải chú tâm vào hơi thở và bước chân. Ý thức rõ rệt bàn chân, cử động của bàn chân, và mặt đất mà ta đang dẫm lên. Khi chú tâm vào mỗi bước đi ta sẽ có tự do bởi vì đó là lúc tâm ta gắn liền với bước đi, không còn bị cuốn hút bởi chuyện quá khứ hay chuyện tương lai. Bước một bước ta được tự do một bước.
Trong khi bước ta có thể nói thầm “Đã về, đã tới”. Câu nói ấy không phải là một lời tuyên bố hay là để xác nhận ta đang thực tập. Câu nói ấy là thực chứng. Không cần chạy đi đâu hết, ta đã rong ruổi suốt đời. Bây giờ thì ta phải sống cho đàng hoàng.
Bây giờ và ở đây là ngôi nhà mà ta phải trở về, là nơi mà biết bao nhiêu mầu nhiệm của sự sống sẵn có, là nơi mà tấm thân mầu nhiệm của ta sẵn có. Ta không thể trở về với bây giờ và ở đây nếu ta không đầu tư toàn thân và tâm ta vào hiện tại. Nếu không về được một trăm phần trăm thì phải dừng lại, không bước thêm một bước nào nữa. Dừng lại và theo dõi hơi thở cho đến khi ta chắc một trăm phần trăm là ta đã về. Khi đó ta có thể mỉm cười đắc thắng. Nên đi như thế chỉ khi nào ta đi thiền hành một mình. Đi thiền hành với nhiều người mà dừng lại như thế e sẽ gây ứ đọng.
Anh không cần một ứng dụng (app) hay một người khác nhắc cho anh biết là anh đã về. Anh biết là anh đã về vì anh nhận ra rằng anh cảm thấy thoải mái. Khi đi từ bãi đậu xe tới văn phòng hãy đi như thế nào để mỗi bước chân đưa ta trở về. Thức tỉnh và liên kết với mình trong từng bước chân. Bất cứ là đi đâu chúng ta cũng có thể đi như một người tự do trên địa cầu này, thưởng thức từng bước chân đi.
Mỗi bước chân chánh niệm đem ta về tiếp xúc với thân ta và thân của địa cầu. Những bước chân ấy có thể cứu chúng ta ra khỏi tình trạng cô độc, cách biệt.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh