Niết bàn ở đâu?
Hãy nhìn một đồng xu. Một bên là mặt phải, một bên mặt trái. Hai mặt không thể hiện hữu nếu thiếu mất một bên. Kim loại làm ra đồng xu gồm có hai mặt, không có kim loại thì không có đồng tiền. Ba yếu tố kim loại, mặt phải và mặt trái liên quan với nhau.
Ta có thể mô tả kim loại giống như Niết bàn, mặt phải và mặt trái có thể coi như biểu hiện của vô ngã và vô thường. Qua mặt phải hay mặt trái, bạn có thể chạm được và cảm được sự hiện hữu của kim loại. Tương tự như vậy, nếu nhìn sâu vào bản chất của vô thường và vô ngã, bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của Niết bàn.
Niết bàn trong bình diện
tuyệt đối (bản môn)
không thể tách rời ra khỏi
Niết bàn trong bình diện
tương đối (tích môn).
Khi bạn thật sự chạm được tới Niết bàn tương đối thì bạn cũng tiếp xúc được với Niết bàn tuyệt đối. Bản thể luôn luôn có sẵn trong bạn.
Đối với người có tu học,
điều quan trọng là
bạn phải tiếp xúc được với
tự tánh vô thường vô ngã của bạn.
Nếu thành công bạn có thể tiếp xúc được với Niết bàn và không còn sợ hãi nữa. Bây giờ bạn có thể cưỡi trên sóng sinh tử và mỉm cười thanh thoát.
Trích “Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi”
Thiền Sư Nhất Hạnh
Người dịch: Chân Huyền