Niệm (sati)
Niệm có nghĩa là không quên. Niệm có nghĩa là ghi nhớ. Không quên cái gì? Không quên những gì chân chánh và thiện lành. Nó cũng có nghĩa là không quên thái độ đúng đắn và đề mục đúng đắn. Chánh niệm không có nghĩa là chúng ta tạo ra chánh niệm từ chỗ trước kia không có. Sati là không quên, sati không phải là sự cố gắng tập trung chú tâm đầy cưỡng ép.
Đề mục đúng đắn đối với bạn là
kinh nghiệm* thân và tâm của chính bạn
Chỉ có bản chất của thân và bản chất của tâm. Tất cả đều có ở đó. Nếu bạn không quên, bạn có chánh niệm. Nếu bạn hay biết những gì đang diễn ra, bạn cũng đang có chánh niệm. Vậy bạn làm gì để có chánh niệm? Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ phải mang chánh niệm quay trở lại một đề mục nào đó với suy nghĩ “Ồ, chánh niệm của tôi chạy đi đâu mất tiêu rồi, tôi phải đưa chánh niệm trở lại thôi”. Thực hành theo cách đó thật là mệt mỏi.
Tôi sẽ cho các bạn một cách đơn giản hơn và thư giãn hơn: tự nhắc chính mình. Khi bạn cố gắng có chánh niệm trở lại, có thể bạn đã chú tâm tập trung vào một đề mục nào đó. Tâm suy nghĩ sai lầm giờ đây cố gắng chú tâm vào một đề mục. Điều đó cần sức lực để tập trung. Còn khi bạn tự nhắc mình, thì ngay khi đó tâm đã trở về trên thân và tâm của mình rồi và chánh niệm tự động có mặt ở đó. Nếu bạn không tin, hãy tự hỏi mình xem: “Cái gì đang diễn ra trong tâm bây giờ?”. Bạn sẽ nhận biết được một điều gì đó. Cái gì đang diễn ra trong tâm bây giờ? Nó có bình an không? Có bất an không? Có thất vọng, bất mãn không? Cái gì đang diễn ra? Bạn sẽ thấy mình có thể nói được ngay cái gì đang diễn ra trong tâm của mình, dù rằng chỉ rất là thô, rất là sơ lược. Bạn sẽ nhận ra rằng nếu bạn nghĩ về tâm của mình, chánh niệm liền quay về tâm. Đó chính là ý nghĩa của chánh niệm.
* Những gì đang thực sự diễn ra và nhận biết được ở trong thân và tâm của mình trong hiện tại.
Trích “Pháp Ở Mọi Nơi”
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Sư Tâm Pháp