spot_img
spot_img
spot_img

Mục đích

Mục đích thật sự của Đạo Phật

Hỏi: Thưa thầy sao gọi là tham thiền và sao gọi là hành thiền, thiền thế nào mới đúng?

Trả lời: Có điều lạ là không biết tại sao người xưa lại nói Tham Thiền và Hành Thiền để rồi vô tình người sau hiểu lầm mà biến thành “Tham lam thiền” và “Hành hạ thiền”.

Chúng ta cần biết mục đích thật sự của Đạo Phật là gì, Đạo Phật không như những Tôn giáo khác hay một số phương pháp hành trì khác. Đa số hành trì với mục đích trở thành hay đạt được lý tưởng sở cầu gì đó. Thí dụ muốn Tiểu ngã thành Đại ngã, muốn đến Thiên Đàng, muốn đắc Định, đắc Tuệ này Tuệ kia hoặc muốn thành Phật, thành Bồ Tát, muốn tới cõi Cực Lạc, Niết-bàn v.v… Nhưng thật ra

Thiền là đốt cháy
tất cả mọi lý tưởng ảo đó
để đối mặt với hiện thực.

Thiền dịch từ vài thuật ngữ, như từ “Jhāna” nghĩa là sự đốt cháy, động từ “Jhāyati” là thiêu đốt, đốt cháy hoặc thắp sáng. Còn từ “bhāvanā” nhiều người dịch là tu tập hay phát triển nhưng nên dịch là phát huy thì đúng hơn, bởi vì phát huy có nghĩa là đã sáng sẵn rồi chỉ cần sử dụng cái sáng đó ra thôi, còn tu tập thì có tính rèn luyện, chỉnh sửa, và phát triển lại là ít làm thành nhiều, nhưng

cái tâm chói sáng
(pabhassaracitta)
mà Đức Phật dạy
thì không tăng không giảm.

Ngôn ngữ Thiền rất bí hiểm, có nhiều dịch giả không biết gì Thiền nhưng giỏi tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ nào đó rồi dịch sách Thiền, nên khi dịch vô tình đã phản lại Thiền, cho nên

Thiền là không thể dịch,
mà chỉ nói thẳng ra từ cái thấy
– thực chứng.

Trong Đạo Phật cái chính là thấy ra sự thật mà dẫn đầu là Chánh kiến.

Chánh kiến có nghĩa là thấy sự thật,
thấy mọi sự mọi vật đúng như
tánh tướng thể dụng của nó.

Trong khi những tôn giáo khác đề cao những yếu tố phụ như đắc Định, đạt Thần thông, được an lạc v.v… nói chung là họ luôn nỗ lực rèn luyện thành sở đắc gì đó mà họ vọng cầu để chứng tỏ tài năng của bản ngã mà thôi!

Đạo Phật chính yếu là thấy ra Sự Thật, nhưng Sự Thật vốn đầy đủ nơi mỗi người, và ở khắp mọi nơi, đặc biệt là đầy đủ nơi chính mình nên Đức Phật dạy chỉ cần nhìn lại (Ehipassiko) thực tại hiện tiền (opanayiko) thì thấy ngay (sandiṭṭhiko) không trải qua thời gian (akāliko) mà người trí liền tự chứng (paccattaṃ veditabbo viññūhi).

Nên Thiền Tông nói

“thấy thì thấy ngay, đắn đo suy nghĩ là sai”

nghĩa là thấy thì thấy trực tiếp không qua tưởng là, nghĩ là, cho là… của lý trí vọng thức.

Chánh kiến là trực nhận sự sinh diệt
của mọi hiện tượng thân thọ tâm pháp.

Thiền không cần phải tìm kiếm, chỉ ngay đây mà thấy. Cái gì thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm được đều là thực kiện. Thực kiện là sự thật, chỉ có ảo tưởng mới biến sự thật thành ảo mà thôi, còn sự thật vẫn sự thật như nó đang là. Từ “bổn lai”, “như thị”, “hiện hữu” đều chỉ “cái đang đây” hay “cái vốn như nó đang là”. Thí dụ “bổn lai vô nhất vật” tức cái đang như thế là như thế, không thể cho nó là gì cả. Tưởng là, cho là chỉ vẽ rắn thêm chân nên đều là ảo! Cũng giống như Đức Phật tự gọi là “Như Lai” để chỉ “cái đang đây” thay vì nói Ta, Tôi theo tục đế.

“Cái đang là” là chân lý, là sự thật, là mọi sự mọi vật như chính nó, có thể thấy ngay nơi thực tại thân thọ tâm pháp, không phải là lý tưởng cao xa huyễn hoặc. Do đó Đức Phật dạy:

Tự mình nương chính mình,
Không nương nhờ ai khác,
Trở về tánh thuần tịnh,
Là chỗ nương hy hữu”.

Hầu hết các Tôn giáo lại nương tựa vào tha lực ở bên ngoài. Nhưng thật ra tha lực và tự lực không phải là hai. Vì nếu nói tha lực và tự lực tức nói có ngã có nhân, đưa đến quan niệm tiểu ngã, đại ngã. Chỉ có Sự Thật bao trùm khắp mọi nơi, khi ở trên pháp tướng thì thấy muôn sai ngàn biệt, nhưng khi ở trong pháp tánh thì vạn pháp đồng nhất – bất nhị – không có tự lực, tha lực gì cả. Nói tu phải tự lực là không đúng, vì tự lực là bản ngã, nhưng nói phải nhờ tha lực cũng sai vì như thế bản ngã càng được tăng cường. Nói tự nói tha nhưng cũng đều là Pháp cho nên không có gì là tự mà cũng không có gì là tha cả.

Ví như nước ở đại dương, bên này do duyên khởi lên một cơn sóng, bên kia do duyên cũng khởi lên một cơn sóng, rồi sóng này cho mình là “tự” và thấy sóng kia là “tha”, nên mới cho là có tự lực và tha lực. Nếu thấy tất cả là nước thì không còn tự hay tha gì nữa cả. Tự tha chỉ là ảo tưởng. Cho nên,

việc đầu tiên và cuối cùng
của người tu là thấy Pháp
– thấy Sự Thật (tánh, tướng, thể, dụng)
như nó đang là mà thôi.

Hay như Đức Phật dạy rất giản dị: trọn vẹn rõ biết khi đi, khi ngồi, khi thở, khi uống, khi ăn v.v…

soi sáng thực tại đang là chính là Thiền.

Trong thời Đức Phật tại thế, khi có người tìm đến vấn Đạo, Phật chỉ ra Sự Thật ngay nơi người đó, người đó liền nhìn lại chính mình và lập tức thấy ra (chứng ngộ). Học cách chỉ thẳng đó của Phật,

chúng ta nên thấy ra nguyên lý
để mỗi người tự trở về
với chính mình hầu có thể
tự thấy ra Sự Thật

chứ không theo bất cứ phương pháp hay khuôn mẫu nào để phải hành theo. Thiền là giác ngộ ra thực tại thân tâm nên mỗi người mỗi riêng không ai giống ai. Nhưng vì tiện lợi cho nhiều người nên phải định ra thời gian đến chùa hành thiền, nghe giảng, tham vấn. Đó chỉ là học tập để biết thiền là gì thôi. Đến khi thông suốt thiền là gì thì đừng nghĩ rằng chỉ có thiền trong chùa mà cần phải trở về với chính mình để tự trải nghiệm, chiêm nghiệm và chứng nghiệm sự thật trong toàn bộ đời sống ngay đây và bây giờ.

Trích “Soi Sáng Thực Tại”
Thiền Sư Viên Minh

 

 

RELATED ARTICLES

Rõ biết 252

Rõ biết 251

Rõ biết 250

Weather

Australia
clear sky
39.1 ° C
39.1 °
39.1 °
8 %
0.5kmh
0 %
Wed
40 °
Thu
44 °
Fri
32 °
Sat
34 °
Sun
35 °

CALENDAR

LATEST NEWS

PRAISE Summit 2024

Rõ biết 252

Rõ biết 251

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe