Khúc Gỗ
Nếu đốn một khúc gỗ và thả xuống dòng sông, khúc gỗ sẽ xuôi theo dòng trôi đi. Nếu khúc gỗ không bị mục hay bị tấp vào hai bờ thì cuối cùng nó sẽ trôi ra biển lớn.
Cũng vậy, tâm thực hành trung đạo
nếu không dính mắc vào hai thái cực hạnh phúc và đau khổ
thì cuối cùng sẽ đạt được chân bình an.
Khúc gỗ trong ví dụ này là tâm ta.
Hai bên bờ sông tiêu biểu cho một bên là lạc (hạnh phúc), một bên là khổ (đau khổ). Đi theo trung đạo là để thấy rõ lạc và khổ đúng theo những gì chúng thật sự đang là, không thêm cũng chẳng bớt – để hiểu rằng chúng chỉ là những cảm xúc và có đường lối riêng của chúng.
Một khi đã đạt được hiểu biết này, tâm sẽ trôi một cách nhẹ nhàng về phía chúng mà không bị vướng mắc. Đây là sự tu tập của cái tâm hiểu biết, cái tâm không nuôi dưỡng bất kỳ cảm xúc nào đang khởi sinh, cũng không luyến chấp vào chúng.
Tâm khi ấy sẽ xuôi theo dòng sông một cách tự do, không bị chướng ngại, và an nhiên trôi chảy vào biển lớn Niết-bàn.
Trích “Chỉ Là Một Cội Cây”
Thiền Sư Ajahn Chah