Một thiền sinh đến xin học đạo. Sư hỏi:
– Ngươi định học đạo bằng tâm hay bằng trí?
Thường nghe kinh điển nói rằng đừng đem trí phân biệt mà học đạo nên thiền sinh thưa:
– Dạ bằng tâm.
Sư nói:
– Không được.
Hôm sau thiền sinh lại đến, hỏi Sư:
– Vậy Thầy học đạo bằng tâm hay bằng trí?
Lúc đó Sư đang ăn táo, gọi:
– Này!
Thiền sinh nhìn lên. Sư đưa trái táo.
Thiền sinh vừa đón lấy, Sư hỏi:
– Bằng tâm hay bằng trí?
Lời góp ý:
Đạo chẳng thể học bằng thân, bằng tâm hay bằng trí. Chiếc xe chạy không thể chạy bằng tay lái, bằng bánh, bằng khung,… hay bằng người lái. Không thể tách riêng cái toàn thể rồi chỉ ngộ một phần là đủ, vì chỉ có giác ngộ trong sự tương giao (tâm lý, sinh lý, vật lý, nội và ngoại) chứ không thể giác ngộ cá biệt, đơn phương hay phiến diện.
Ngộ tánh ngộ tâm ư? Sao lại tách rời thân với tâm, tánh với tướng, thể với dụng? Không có ngộ chung cũng chẳng có ngộ riêng, nên Đức Phật đã dạy “không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng”. Và Ngài dạy tiếp: “Kẻ nào không còn thấy có bên này, bên kia và cả hai, người ấy thoát ly phiền não, Như Lai gọi đó là Phạm Chí” (Dh. 385).
Vậy ngộ thì phải “ngộ nguyên con”, hoặc là “không chấp thủ bất cứ điều gì ở đời” (Sabbe dhammà nàlam abhinivasaya).
Lấy trái táo còn phải lấy “nguyên con” huống chi là học đạo .
Trích “Vi Tiếu”
Thiền Sư Viên Minh