Vai trò của chánh niệm
Vai trò của chánh niệm chỉ là thu thập dữ liệu. Trong quá trình đó luôn có sự khao khát muốn biết. Chánh niệm thực hiện vai trò hay biết mọi thứ đang diễn ra. Nó biết tâm đang chuyển hướng tới lui, các cảm xúc và những gì đang diễn ra.
Câu trả lời sẽ đến khi bộ sưu tập dữ liệu đã hoàn chỉnh. Nó không thể sanh khởi khi vẫn còn thiếu sót một vài dữ liệu nào đó. Tuy nhiên, bạn có thể tăng mức độ hứng thú và tò mò trong tâm bằng cách đặt ra một số câu hỏi. Giải pháp sẽ đến với bạn khi đã có đủ dữ liệu cho vấn đề. Khi chưa có chánh niệm hoàn chỉnh, nó chỉ hay biết được những đề mục ở mức độ thô. Hiện tại bạn có thể có chánh niệm và sự ổn định nội tâm, nhưng bạn cần phải tiến lên mức độ vi tế hơn từ mức thô và hời hợt bây giờ. Đó chính là quá trình hoàn thành các nhân duyên cho đầy đủ.
Chánh niệm sắc bén có thể thấy được những hoạt động bên trong của tâm. Nếu chỉ có chánh niệm phiến diện thì sẽ không thấy được tất cả những nhân duyên đang có mặt. Có thể bạn sẽ thấy tham và sân không có mặt, nhưng với chánh niệm sâu sắc hơn, bạn sẽ thấy tâm si vẫn luôn luôn hiện diện. Các thiền sinh vẫn trình pháp rằng họ không thấy có tham và sân trong tâm, nhưng đó chỉ là những quan sát rất hời hợt trên bề mặt. Họ vẫn chưa thực sự nhìn được sâu bên dưới. Một mức chánh niệm mạnh và một nội tâm ổn định là điều cần phải có để thấy ở những mức độ vi tế hơn. Đó chính là ý của tôi khi nói bạn cần phải duy trì được một nội tâm ổn định trong một thời gian dài. Nếu làm được điều đó (mà nó cần sự có mặt của trí tuệ), khi bạn đặt câu hỏi, câu trả lời sẽ đến.
Trích “Pháp Ở Mọi Nơi”
Thiền sư Sayadaw U Tejaniya
Người dịch: Sư Tâm Pháp