Làm mới
Một phép thực tập rất có ích để giải tỏa khó khăn, buồn phiền giữa hai phía là Làm Mới. Làm Mới là cơ hội để nhìn sâu và thành thực – về những gì mình đã nghĩ, đã nói và đã làm – để bắt đầu một giai đoạn mới với chính mình hay với người khác mà ta đã gặp khó khăn.
Làm Mới cũng là cơ hội trau dồi ái ngữ và lắng nghe với tâm yêu thương bằng cách ghi nhận những gì tốt đẹp nơi người khác và tỏ lòng khâm phục. Ghi nhận những gì tích cực, tốt đẹp nơi ai khác cũng là cơ hội khám phá những gì tích cực, tốt đẹp nơi mình. Ngoài những yếu tố tích cực chúng ta cũng có những yếu tố tiêu cực, những yếu kém, ví dụ nói lời ác độc khi giận dữ hay có nhiều nhận thức sai lầm. Cũng như khi chăm sóc một khu vườn, chúng ta “tưới hoa”, những đóa hoa của từ bi, yêu thương, đồng thời cũng làm sạch những đám cỏ của hờn giận, ganh tị, hiểu lầm.
Chúng ta có thể thực tập làm mới mỗi ngày bằng cách bày tỏ khen ngợi những người thân thương và lập tức xin lỗi mỗi khi ta nói ra điều gì xúc phạm người khác. Chúng ta cũng có thể cho người khác biết, bằng những lời lẽ dịu dàng, khi ta bị người khác gây đau khổ.
Một buổi Làm Mới chính thức hơn có thể được tổ chức hằng tuần trong gia đình hay nơi sở làm. Làm Mới chính thức gồm có ba phần: tưới hoa, bày tỏ sự hối tiếc và nói lên những lý do gây nên buồn giận, khó khăn. Phép thực tập Làm Mới này có thể ngăn ngừa các cảm thọ buồn giận dồn chứa tuần này sang tuần khác và tạo nên môi trường an lành trong sở làm hay trong gia đình.
Tưới hoa là giai đoạn đầu của phép Làm Mới. Làm Mới tức là bày tỏ lòng cảm mộ đối với người trong sở làm hay trong gia đình. Mỗi người sẽ chờ cho tới lúc tâm tư sẵn sàng sẽ thay phiên bày tỏ tâm tình. Những người khác sẽ lắng nghe mà không phản ứng. Người nói có thể cầm trên tay một cành hoa hay bình hoa trước mặt tượng trưng cho phong thái tươi mát. Trong giai đoạn “tưới hoa”, người nói sẽ nhắc đến những đức tính tốt đẹp, hoàn thiện của những người hiện diện. Đây không phải là nói nịnh. Cần phải nói sự thật. Ai cũng có ưu điểm mà mọi người đều thừa nhận. Không ai có thể ngắt lời người đang nói. Ai cũng có đủ thì giờ để thổ lộ những điều mình muốn nói ra và tất cả đều thực tập lắng nghe sâu. Sau khi nói xong, người ấy sẽ kính cẩn trả lại bình hoa vào giữa.
Không nên coi thường giai đoạn đầu “tưới hoa” này. Khi mà ta đã thành thật ca tụng những ưu điểm của một ai thì ta khó mà giữ mãi buồn giận đối với người ấy. Tâm ta sẽ dịu lại, tầm mắt ta sẽ rộng rãi hơn, bao dung hơn.
Trong giai đoạn thứ hai của phép thực tập Làm Mới, ta sẽ nói ra những gì mà người kia đã làm ta buồn giận. Ái ngữ rất quan trọng trong giai đoạn này. Ta muốn cho không khí trong gia đình hay trong sở làm được an lành trở lại. Ta sẽ thẳng thắn trình bày nhưng ta không muốn gây đổ vỡ. Nói cho một số đông đang lắng nghe ta chăm chú thì lời nói của ta sẽ tươi mát hơn, xây dựng hơn. Ta sẽ không bao giờ trách móc hay tranh cãi.
Trong giai đoạn cuối của phép Làm Mới, điều quan trọng nhất là lắng nghe với tâm thương yêu. Chúng ta nghe một người khác đang nói về khổ đau và khó khăn của họ. Ta mong cho người ấy bớt được niềm đau nỗi khổ mà không có ý phán xét, tranh cãi. Chúng ta lắng nghe hết lòng. Ngay cả khi ta nghe một điều gì không đúng sự thật, chúng ta vẫn tiếp tục chăm chú lắng nghe để cho người kia nói hết khổ đau của mình để có thể giải tỏa căng thẳng, bức xúc trong lòng. Nếu chúng ta trả lời hay cải chính thì phép thực tập sẽ thất bại. Nếu muốn cho người ấy biết điều gì người ấy nói là không đúng sự thật thì nên đợi vài ngày rồi hãy nói và chỉ nói riêng với người ấy một cách bình tĩnh. Và có thể trong lần Làm Mới tiếp theo, người ấy có thể cải chính điều mình đã nói không đúng sự thật. Và ta chỉ cần lắng nghe. Để chấm dứt buổi thực tập Làm Mới, tất cả có thể cùng ngồi với nhau vài phút trong im lặng.
Chỉ cần ngồi lại với nhau để “tưới hoa” cũng đủ mang lại hạnh phúc và gia tăng cảm thông trong gia đình hay sở làm. Không cần theo cho đủ cả ba giai đoạn. Đặc biệt là khi mới bắt đầu thực tập Làm Mới, nên để dành nhiều thì giờ cho giai đoạn “tưới hoa”. Lâu lâu sau đó ta có thể thêm vào giai đoạn hai và giai đoạn ba, khi mọi người đều đã thêm tin tưởng. Và khi đó đừng bỏ qua giai đoạn thứ nhất. Bày tỏ lòng biết ơn là cách hay nhất để xây dựng mối quan hệ thân thương và bền vững.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh