Thông cảm trong những hoàn cảnh khó khăn
Truyền thông với tâm thương yêu là một phương pháp vô cùng hữu hiệu để thiết lập thông cảm và mở lối thay đổi. Truyền thông với tâm thương yêu có thể giúp ích khi mà mọi người đều nghĩ là không thể nào có quan hệ và truyền thông, khi cả hai bên đều đầy giận dữ và sợ hãi.
Tôi đã chứng kiến điều này khi hai phái đoàn thiền sinh Do Thái và Palestine đến tham dự một khóa tu tại Làng Mai. Những ngày đầu của khóa tu thật khó khăn. Khởi đầu cả hai nhóm đều đầy lo sợ, hờn giận, và nghi kỵ. Họ không muốn nhìn mặt nhau. Họ nghi ngờ nhau quá đỗi. Họ không cảm thấy thoải mái khi nhìn nhau bởi vì họ đã quá đau khổ và nghĩ rằng những người phía bên kia đã gây nên đau khổ cho họ. Trong tuần lễ đầu, chúng tôi chỉ chú trọng vào việc thực tập truyền thông với chính mình. Cả hai nhóm đều thực tập hơi thở chánh niệm, chấm dứt suy nghĩ liên miên và lắng nghe thân tâm.
Phải chờ đến tuần lễ thứ hai, chúng tôi mới khuyến khích hai nhóm truyền thông với tâm thương yêu, thực tập lắng nghe và sử dụng ái ngữ. Mỗi người của mỗi nhóm được yêu cầu sử dụng lời nói sao cho phía bên kia, người lớn cũng như trẻ em, hiểu rõ những khổ đau mà họ đã trải nghiệm. Họ sẽ nói cho nhau nghe hết tất cả những khổ cực mà họ đã chịu đựng trong quá khứ. Nhưng họ phải sử dụng lời lẽ tươi mát, êm đẹp và sẽ không trách móc hay lên án.
Chúng tôi khuyên những người ngồi nghe sẽ nghe với tâm thương yêu. Nếu nghe một điều gì sai lạc, họ sẽ cố gắng không cắt đứt hay cải chính bởi vì họ sẽ có cơ hội và nhiều thì giờ để cho nhóm kia sửa đổi nhận thức sai lầm. Khi một bên đã lắng nghe bên kia thì họ bỗng khám phá ra rằng phía bên kia cũng đã đau khổ như họ mặc dù hoàn cảnh có khác nhau. Đây có lẽ là lần đầu nhiều người của nhóm này nhận ra rằng những người trong nhóm bên kia cũng là những con người như họ, cũng đã đau khổ như họ.
Một khi đã thấu hiểu niềm đau nỗi khổ của người khác thì chúng ta phát lòng thương và không còn sợ hãi, ghét bỏ người ấy được nữa. Ta có thể nhìn người ấy bằng con mắt khác. Và khi người ấy thấy được ánh mắt thương yêu, bao dung của ta thì lập tức sẽ bớt đau khổ.
Những buổi họp mặt của hai nhóm đã được tổ chức thế nào để mỗi nhóm có đủ thì giờ lắng nghe và giãi bày khổ đau của mình. Trong những buổi họp mặt ấy, một vài thầy cô, các vị xuất sĩ của Làng, không phải là người Do Thái hay Palestine, đã đến và cùng ngồi yên, cùng thở để hỗ trợ. Chúng tôi thực tập hơi thở chánh niệm và cống hiến năng lượng tập thể, giúp cho hai bên lắng nghe với sự hiện diện của các thầy cô rất quan trọng. Họ đã tạo nên năng lượng tập thể để hỗ trợ cho sự truyền thông và đối thoại trong chánh niệm giữa hai nhóm.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể thực tập như thế cho chúng ta hay cho bất cứ hai nhóm nào đang bị chia rẽ. Đôi khi những người Ấn sợ những người Hồi và người Hồi cũng sợ người Ấn. Hoặc là người theo Hồi giáo sợ những người theo Kitô giáo và ngược lại. Họ luôn luôn nghĩ rằng phe bên kia đe dọa an ninh và nếp sống truyền thống của họ.
Điều đầu tiên là quán chiếu sâu sắc để thấy rằng không phải chỉ có chúng ta đang đau khổ mà những người của phía bên kia cũng đang đau khổ như ta. Mới đầu chúng ta nghĩ rằng chỉ có chúng ta là những người bị đau khổ, bị sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta có dịp gần gũi và quan sát thì chúng ta sẽ thấy những người kia cũng đang sợ hãi, sợ hãi như chúng ta và đau khổ như chúng ta. Khi thấy được như thế thì chúng ta sẽ bớt đau khổ ngay.
Khi chúng ta có thể
phát tâm yêu thương
thì tâm yêu thương ấy
sẽ chữa trị chúng ta,
chữa trị người kia
và chữa trị cả thế giới.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh