Bắt đầu
Trước tiên, chúng ta phải tự hỏi bản thân:
Mối quan hệ của
chúng ta với thực tại này là gì?
Chúng ta hiểu gì về cuộc đời?
Từ đó, chúng ta sẽ thấy rằng thiền thực sự là cách tiếp cận đúng đắn duy nhất với thực tại và các vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Chúng ta có thể dùng thiền để lảng tránh cuộc đời hoặc cũng có thể dung nó để học hỏi từ chính cuộc đời này. Khi bắt đầu đưa chánh niệm vào đời sống thì chúng ta sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mình còn biết quá ít về bản thân và môi trường sống xung quanh. Chúng ta đang đối diện với một cuộc chiến dai dẳng chỉ để duy trì được chút hạnh phúc ít ỏi trong đời. Những khó khăn chúng ta tự tạo ra từ nỗi sợ hãi, chán nản, cô đơn, thói quen, sự tuyệt vọng, những thứ cứ lặp đi lặp lại (mới kể ra đây sơ sơ) là thực tế chúng ta phải đối mặt. Cuộc sống chẳng phải trò đùa, nên cần phải có một đầu óc nghiêm túc để nghiên cứu và hiểu xem cái gì đang làm ta khổ đến thế. Trước khi thoát ra khỏi thực tại này, chúng ta phải nhìn vào “cái gì” đó để hiểu nó. Đó không phải đơn giản là cứ tích lũy kiến thức hoặc trừu tượng hóa cuộc đời mà cần một sự hiểu biết về bản chất con người đang thực sự sống thế nào.
Chỉ có thể
bằng một cái tâm tĩnh lặng,
tận tụy quan sát
chúng ta mới có thể hiểu được thấu đáo bản chất những khó khăn chúng ta tự tạo ra trong đời, để rồi từ đó nhìn xuyên qua được hết những bối rối và hỗn loạn đang lấn át tâm trí.
Với sự hiểu biết này,
trí tuệ có sẵn trong ta
mới dần được hé lộ.
Hạnh phúc đến từ việc phát hiện ra những trí tuệ đó sẽ tạo nên nguồn cảm hứng cho ta muốn khám phá nhiều hơn. Điều này cho phép chúng ta quan sát sâu hơn vào các trải nghiệm sống và mối quan hệ của chúng ta với thế giới xung quanh. Cũng với trí tuệ đạt được, cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa và ngày càng ổn định, và hạnh phúc sẽ trôi chảy một cách tự nhiên.
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya