Đèn pin
Trong Phật giáo, chúng ta luôn luôn nghe nói đến sự buông bỏ, và việc không luyến chấp vào bất kỳ điều gì. Điều này có nghĩa là cầm giữ mà không dính mắc. Hãy lấy cây đèn pin làm ví dụ. Thấy một vật, thoạt đầu chúng ta chẳng biết đây là vật gì, chúng ta tự hỏi: Cái gì đây? Ta bèn cầm lên.Ồ! cây đèn pin. Nói xong, ta bỏ cây đèn pin xuống.
Khi cầm nắm các sự vật cũng thế. Nếu không cầm nắm gì cả thì phải làm sao đây? Nếu không nắm giữ vật thì ta không thể làm được gì cả.
Bởi thế trước tiên ta phải nắm một thứ, đó là sự muốn. Đúng vậy, có ước muốn sẽ dẫn đến có kết quả. Cũng như việc bạn đến đây, trước tiên bạn phải có ý muốn đi đến đây, nếu không có ý muốn đó thì bạn đã không có mặt ở đây hôm nay.
Chúng ta hành động
bởi vì chúng ta muốn làm.
Nhưng khi ước muốn phát sinh,
đừng bám víu vào nó.
Cũng như ta không chấp giữ lấy cây đèn pin này. Cái gì đây? Ta cầm cây đèn lên. Ồ! cây đèn pin. Thế rồi ta bỏ cây đèn xuống. Đó là ý nghĩa của việc “cầm mà không giữ”. Chúng ta ý thức, chúng ta nhận biết, xong liền buông xuống để nó ra đi. Chúng ta không dại dột chấp giữ, dính mắc vào sự vật.
Chúng ta cầm nắm sự vật
bằng trí tuệ rồi để chúng ra đi.
Tốt hay xấu đều buông bỏ, đều để chúng ra đi một cách tự nhiên.
Trích “Chỉ Là Một Cội Cây”
Thiền Sư Ajahn Chah