spot_img
spot_img
spot_img

Tĩnh Lặng

Nội tâm tĩnh lặng

Còn có một loại tâm định vi diệu (paṇīta) hơn cả định an chỉ đó là tâm định tĩnh lặng (paṭipassaddha samādhi), một sự định tĩnh mọi lúc mọi nơi, vượt ngoài mọi điều kiện quy ước, nên cũng gọi là an bình (khemā) hay không tịch (vūpasama). Dīgha Nikāya 3/278 mô tả: “Định này là tịch tịnh, vi diệu, đạt tĩnh lặng, chứng nhất tánh, không điều kiện, không đối kháng, không trở ngại” (Ayaṃ samādhi: santo, paṇīto, laddho, ekodibhāvādhigato, na ca sasaṅkhāra-niggayha-vāritavato’ti). Ưu việt của định tĩnh lặng này là không cần nhập định xuất định vì có thể định tĩnh trong mọi hoàn cảnh, chứ không cần tập trung vào một đề mục duy nhất nào như định an chỉ phải có nhập có xuất. Loại định tĩnh lặng này thoạt nhìn dường như không kiên cố, nhưng thực ra đó mới chính là định vô ngại, bất chấp điều kiện, vì nó có thể ung dung tự tại trong mọi hoàn cảnh vô thường, khổ, vô ngã. Ví như người chơi lướt ván có thể giữ thăng bằng trên những đợt sóng dồn dập, nếu bạn có thể chú tâm (tâm bất loạn chứ không phải tập trung) trên thực tại diễn biến vô thường thì bạn có đủ bản lãnh để thể hiện định tĩnh lặng trong mọi hoàn cảnh này. Vì có khả năng tùy duyên bất biến nên định này mới thật sự là định được nói đến như “định năng sinh tuệ” trong giới-định-tuệ đặc thù của nhà Phật. Và chỉ có định tĩnh lặng này mới được Đức Phật gọi là tối thượng lạc (Santī paramaṃ sukhaṃ) và là một trong những yếu tính của Niết-bàn.

Giống như người quen lái xe trên đường giao thông thưa thớt sẽ khó đi qua chỗ xe cộ đông đúc, ngược lại tài xế quen lái xe ở chỗ giao thông đông đúc sẽ dễ dàng đi qua xa lộ vắng người. Cũng vậy, hành giả định an chỉ khó thích nghi với hoàn cảnh động bên ngoài nên khó đạt được định tĩnh lặng. Ngược lại hành giả định tĩnh lặng sẽ dễ dàng đạt được định an chỉ trong môi trường yên tĩnh. Như vậy, rõ ràng định tĩnh lặng mới có khả năng hỗ trợ cho trí tuệ thấy rõ thực tánh của các pháp. Đó là lý do tại sao Đức Phật chỉ chấp nhận định an chỉ như một phương tiện để chế ngự năm triền cái lúc sơ cơ chứ không xem đó là điều kiện tất yếu để giác ngộ giải thoát. Chỉ cần định sát-na, định cận hành và định tĩnh lặng là đủ cho yếu tố định trong tam vô lậu học giới-định-tuệ.

Tuy nhiên, với những người tâm dễ tán loạn, dễ nóng giận, nhiều tham ái, hoặc quá lệ thuộc vào sở đắc tương lai thì nên thực tập những đề mục thiền định sau đây để hỗ trợ cho tâm định tĩnh mới hành thiền tuệ dễ dàng hơn:

  • Đối với hành giả tâm dễ tán loạn nhất là lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin thì đề mục niệm Phật có thể giúp họ giảm bớt thất niệm, vọng niệm và tạp niệm để tâm có thể an trú nhất niệm thanh tịnh. Nhất niệm thanh tịnh không phải là định an chỉ, nhưng lại hỗ trợ cho trí tuệ tốt hơn cả định an chỉ.
  • Đối với hành giả tâm dễ nóng giận, thường hay bất bình, bực bội thì đề mục tâm từ có thể giúp họ ngăn ngừa sự bức xúc, nóng nảy, giận dữ để tâm được lắng dịu, hiền từ, mát mẻ. Với sự hiền hoà, mát dịu này tâm dễ quán chiếu trong sáng và trung thực hơn.
  • Đối với hành giả nhiều tham ái nhất là tham ái xác thân hay vật thực thì đề mục bất tịnh có thể giúp họ giảm bớt sự dính mắc, ham mê, khao khát để tâm được dễ dàng buông xả, tự do và ổn định. Đó là những yếu tố nền tảng cho định tuệ phát huy.
  • Đối với hành giả quá lệ thuộc vào sở đắc tương lai, nghĩa là tu tập vì mục đích đạt được một trạng thái như ý trong tương lai thì đề mục niệm sự chết sẽ giúp họ giảm bớt ảo tưởng về tương lai để trở về đối mặt với thực tại và tìm thấy ý nghĩa đích thực của nó.

Người có nội tâm an tịnh (chánh định) gặt hái được rất nhiều lợi ích trong đời sống cũng như trong hành trình giác ngộ giải thoát:

  • Làm nền tảng cho trí tuệ: Chức năng quan trọng nhất của định là tạo môi trường tĩnh lặng cho trí tuệ tỏa sáng (samādhimayā paññā). Giống như mặt hồ tĩnh lặng thì cảnh sắc mới hiện rõ, khi tâm ổn định rỗng rang thì trí tuệ sẽ tự động soi chiếu rõ ràng. Trong lãnh vực hỗ trợ cho trí tuệ thì định tĩnh lặng hữu dụng hơn định an chỉ.
  • Dẫn đến đời sống an lạc trong hiện tại: đối với người đang trú trong an chỉ định, tâm họ đã cắt đứt liên hệ với năm đối tượng giác quan, nên họ không bị ngoại cảnh quấy rầy và họ an hưởng được hương vị hỷ, lạc, định, xả của thiền định, vì vậy được gọi là hiện tại lạc trú (diṭṭhadhamma sukha vihārāya).
  • Giúp kiến văn giác tri (thấy biết) được trung thực: Khi tâm tĩnh lặng thì thấy, nghe, ngửi,… biết đều được trong sáng nên nhận thức đối tượng mới đúng sự thật, cho nên tâm định dẫn đến thành tựu tri kiến (ñaṇa-dassana paṭilabhāya).
  • Giúp phát huy chánh niệm tỉnh giác: Tâm an tịnh nghĩa là tâm không vọng động nên không thất niệm do đó dẫn đến chánh niệm tỉnh giác dễ dàng hơn (sati–sampajaññāya).
  • Giúp đoạn tận các lậu hoặc: Định cùng với giới và tuệ là ba yếu tố không thể tách rời trong chức năng loại trừ vô minh, tà kiến, ái dục và hữu vi tạo tác trở thành, nên định là yếu tố dẫn đến đoạn tận lậu hoặc (āsavānaṃ khayāya).
  • Ở trong cảnh trần mà tâm không dao động: Đối với người đạt được định tĩnh lặng thì họ luôn trầm tĩnh trước mọi thăng trầm biến đổi của cuộc sống nên dù không cách ly các đối tượng giác quan mà vẫn không bị ngoại duyên chi phối.
  • Khi lâm chung tâm bất loạn: Chết trong tình huống nào là do nghiệp quá khứ, không nên quan tâm làm sao để được chết trong điều kiện như ý, mà dù chết trong điều kiện nào tâm cũng sáng suốt định tĩnh là tốt nhất. Điều này quá dễ dàng cho những ai nội tâm an tịnh.

Trích Chương VIII – Nội tâm Tĩnh Lặng
Sống Trong Thực Tại
Thiền Sư Viên Minh

RELATED ARTICLES

Rõ biết 246

Rõ biết 245

Rõ biết 244

Weather

Australia
clear sky
23.5 ° C
23.5 °
23.5 °
21 %
3.6kmh
6 %
Sat
28 °
Sun
29 °
Mon
22 °
Tue
27 °
Wed
26 °

CALENDAR

LATEST NEWS

Rõ biết 246

Rõ biết 245

Rõ biết 244

Rõ biết 243

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe