Tinh tấn hoàn hảo nhất (Viriya Pāramī) là hoàn toàn buông cái ta giải đãi:
Khi không được trí tuệ soi sáng,
mọi nỗ lực đều chỉ phụng sự
cho cái ta đầy tà kiến và tham ái.
Đó là lý do vì sao trong Thập Độ theo Phật giáo Nguyên Thủy, tinh tấn ba-la-mật (Paññā Pāramī) được xếp sau trí tuệ ba-la-mật (Viriya Pāramī).
Tinh tấn là con dao hai lưỡi,
dùng trong việc thiện là thiện,
trong việc ác là ác.
Nhưng cho dù nỗ lực trong điều thiện thì vẫn chưa phải là tinh tấn ba-la-mật nếu như đó chỉ là nỗ lực của cái ta ảo tưởng. Vì vậy, bạn nên thận trọng không sử dụng tinh tấn một cách chủ quan theo ý mình hay theo một quan niệm nào khác.
Nếu không, càng tinh tấn
càng tự trói buộc mình.
Tinh tấn được trí tuệ soi sáng sẽ tự động điều chỉnh phù hợp với mọi tình huống, và thể hiện đúng chức năng thoát khỏi trạng thái buông xuôi, giải đãi, hôn trầm, thụ động. Mặc dù trong tinh tấn ba-la-mật hàm ẩn một mức độ nỗ lực thích ứng với từng hoàn cảnh đặc thù, nhưng không phải là nỗ lực của ý chí thường được dùng như công cụ của cái ta tham vọng.
Khi chưa thấy rõ thực tánh,
chúng ta chỉ biết xuôi theo ý đồ của bản ngã.
Bản ngã luôn muốn được dễ dàng và thỏa mãn.
Để được thỏa mãn, bản ngã vận dụng toàn bộ năng lực ý chí, tích cực, hăng say, nỗ lực hầu mong thực hiện được dục vọng của mình, vì vậy sinh ra trạo cử, bất an, căng thẳng. Ngược lại, để được dễ dàng, bản ngã lười biếng, tiêu cực, thụ động, thờ ơ, chỉ biết buông xuôi theo thói quen quán tính hoặc rập khuôn theo lối mòn có sẵn, cho nên đưa đến chán nản, hôn trầm, trì trệ. Bản ngã giống như con lắc khi thì quá tích cực khi thì quá tiêu cực. Hai đối cực nỗ lực hăng say và buông xuôi, giải đãi này làm mất dần khả năng linh hoạt, sáng tạo và uyển chuyển tự nhiên.
Ví như khi bạn bị rơi xuống
một dòng sông chảy xiết,
bạn đừng phí sức xoay xở
cũng đừng nhắm mắt buông xuôi.
Cả hai thái độ đều không thể giúp bạn
thoát khỏi sự cuốn trôi hay chìm đắm.
Đó là ý nghĩa câu trả lời của Đức Phật:
“Không bước tới, không dừng lại,
Như Lai thoát khỏi bộc lưu”
khi được hỏi làm thế nào
Ngài thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Bộc lưu là dòng nước chảy xiết của luân hồi sinh tử, khởi đầu bằng vô minh (avijjāsava), đưa đến tà kiến (diṭṭhāsava), nuôi dưỡng ái dục (kāmāsava) rồi nỗ lực tạo tác để trở thành (bhavāsava) và kết quả là chìm đắm trong phiền não khổ đau (soka parideva dukkha domanassa upāyāsa). Bước tới là nỗ lực tạo tác để trở thành một sinh hữu trong tương lai, tức bị cuốn trôi trong luân hồi; dừng lại là buông xuôi, dính mắc trong hiện tại hoặc quá khứ, tức bị đắm chìm trong sinh tử.
Như vậy tinh tấn là yếu tố hoàn hảo thoát ly hai thái độ cực đoan này được gọi là tinh tấn ba-la-mật (viriya pāramī).
Trích Chương 9 “Ngay Đó Là Bờ”
Sống Trong Thực Tại
Thiền Sư Viên Minh