Trà Đạo
Khách đến viếng một trà thất, chủ nhân tiếp đón theo nghi phong trà đạo Nhật Bản. Khách thì lại cứ rót trà uống tự nhiên không theo luật lệ nào cả.
Thấy vậy, chủ nhân khéo léo thuyết minh về trà đạo, về cách pha trà và phong thái uống trà v.v…
Nghe xong, khách nói:
– À, thì ra trà đạo là vậy! Tôi cứ tưởng đạo trà là khát thì uống thôi chứ.
Rồi khách xuất khẩu ngâm:
Xưa nay trà là đạo
Khát chỉ việc uống thôi
Nghĩ thêm trà với đạo
Đầu thượng trước đầu rồi!
Lời góp ý:
Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Đạo Phật bắt đầu được vận dụng cho thích nghi với trình độ căn cơ của quần chúng. Những nguyên lý giải thoát trong thời Nguyên Thủy được cụ thể hóa cho phù hợp với sinh hoạt xã hội. Đó là những phương tiện thiện xảo tiếp độ quần sanh. Nhưng khi đã vận dụng thành phương pháp cụ thể kèm theo những hình thức nghi lễ, luật tắc thì không tránh khỏi hiệu ứng hai chiều. Chiều thuận là chuyển hóa quần chúng dần dần vào đạo. Chiều nghịch là làm khô chết nguyên lý linh động ban đầu, khiến cho người ta chỉ còn lệ thuộc hình thức, chẳng thấy nội dung, chấp chặt phương tiện bỏ quên cứu cánh. Sự chân thành, trang nhã, tinh khiết, giản dị, trong sáng, bình lặng lúc đầu mà phương tiện trà đạo muốn cống hiến, dần dần chỉ còn là cách pha trà, cách nâng chén . . . như một thứ nghi lễ trình diễn bên ngoài.
Nếu chỉ giữ nguyên lý (thiên) thì quá xa với quần chúng. Nếu vận dụng thành phương tiện (địa) thì đã rơi vào hình thức. Chỉ có người thức ngộ mới có thể thể hiện nguyên lý mà không lệ thuộc vào hình thức, sử dụng hình thức mà không rời xa nguyên lý trong mỗi nhịp sống hài hòa (nhân). Đối với họ, không có cái gì không phải là Đạo. Không có hành động nào không trong sáng hồn nhiên và lặng lẽ.
Ngày kia có người hỏi :”Cái gì là Đạo?”
Thiền Sư trả lời :”Thế ngươi nói cái gì không phải là Đạo?”
Trích Vi Tiếu
Thiền Sư Viên Minh