Tâm xả ly: không còn chấp, không còn bám víu.
Ngay cả những suy nghĩ của chúng ta cũng không chắc chắn. Tại sao chúng không chắc chắn? Vì chúng vô ngã. Chúng không phải là của ta. Chúng phải theo bản chất của chúng. Chúng không bền vững và vô thường. Hãy nhìn mọi thứ như thế. Những thứ bạn thích cũng không chắc chắn. Dầu cho bạn thích nó đến cỡ nào, nó cũng không chắc chắn. Bất cứ mối quan tâm của bạn là gì, bạn cũng phải tự nhủ, “Điều này không chắc chắn. Điều này không bền vững và vô thường”. Và tiếp tục quán sát….
Giống như chiếc ly này: nó rất đẹp. Bạn muốn để qua một bên để không làm nó bể. Nhưng nó không bền vững. Một ngày bạn để nó cạnh bên mình và rồi, khi bạn với tay lấy gì đó, bạn vô tình chạm vào nó. Nó rớt xuống sàn và bể. Nó không bền vững. Nếu nó không vỡ hôm nay, nó sẽ vỡ ngày mai. Nếu nó không vỡ ngày mai, nó sẽ vỡ ngày kế đó – vì bản chất nó dễ vỡ. Chúng ta được khuyên không nên đặt niềm tin vào những thứ như thế, vì chúng không bền vững. Các Pháp là vô thường: Phật đã dạy đó là chân lý. Hãy suy nghĩ về điều đó. Nếu bạn thấy được không có chân lý trong các Pháp, thì đó là chân lý. Đó là thường. Chắc chắn. Khi có sinh, thì phải có già, bệnh tật và chết. Đó là cái thường và chắc chắn.
Cái gì là thường mà đến từ các Pháp không thường. Chúng ta nói rằng các Pháp không thường và không bền vững – và điều đó có thể đảo mọi thứ ngược lại: chân lý đó là thường và chắc chắn. Nó không thay đổi. Nó thường như thế nào? Nó thường bằng cách luôn theo bản chất của mình. Ngay cả khi bạn cố gắng thay đổi cách của nó, bạn cũng không thể làm được. Các Pháp tiếp tục theo bản chất của chúng. Chúng phát khởi và rồi chúng hoại diệt, hoại diệt và rồi phát khởi. Đó là cách chúng vô thường. Đó là cách quy tắc đó trở thành chân lý. Đức Phật và các vị thánh đệ tử đã giác ngộ dựa vào các Pháp vô thường này.
Khi bạn thấy được vô thường, kết quả là niết bàn: xả ly. Bạn nên biết xả ly không phải là nhàm chán. Nếu bạn cảm thấy nhàm chán thì sai rồi, đó là xả ly sai lầm. Xả ly không giống như sự nhàm chán bình thường của chúng ta. Thí dụ, nếu bạn sống với vợ con đến một thời điểm nào đó bạn cảm thấy chán ghét họ, đó không phải là xả ly. Thực sự đó là một uế nhiễm trầm trọng; nó bóp nghẹt trái tim bạn. Nếu bạn chạy trốn khỏi những thứ như thế, cảm thấy nhàm chán là do uế nhiễm. Đó không phải là niết bàn. Nó thật sự là một phiền não lớn, nhưng chúng ta nghĩ đó là xả ly. Ví như bạn muốn tốt với ai đó. Có bất cứ thứ gì bạn cũng muốn cho họ. Bạn đồng cảm với họ. Bạn thấy là họ tốt, dễ mến và tử tế với bạn. Giờ thì uế nhiễm của bạn đến từ phía khác. Hãy cẩn thận! Đó không phải là sự tử tế qua con mắt Pháp; đó là sự tử tế ích kỷ. Bạn được điều gì đó từ họ, đó là lý do tại sao bạn tử tế với họ.
Với xả ly cũng thế, “Tôi chán chỗ này quá. Tôi sẽ không ở đây lâu thêm nữa. Tôi chịu đựng đủ rồi”. Thật không đúng chút nào. Đó là đại uế nhiễm. Đó là sự xả ly chỉ trong tên gọi. Sự xả ly của Đức Phật thì khác: Hãy để yên sự vật. Hãy đặt chúng xuống. Bạn không hủy diệt chúng; bạn không đập phá chúng; bạn không trừng phạt chúng; bạn không tử tế với chúng. Bạn chỉ đặt chúng xuống. Tất cả. Làm như thế đối với tất cả. Đó là cách phải như thế. Chỉ khi được như thế thì bạn mới có thể nói rằng tâm bạn đã xả ly, tâm bạn trống rổng rang: không còn chấp, không còn bám víu.
Trích “Không Dừng Tu Tập”
Thiền Sư Ajahn Chah
(còn tiếp, xem Rõ Biết 6)