Điều chắc chắn là không có gì chắc chắn
Chúng ta không muốn sự vật như thế: đó là gốc của mọi phiền não của ta. Dù bạn có chạy trốn khỏi những điều này, chúng vẫn thế. Vì thế chúng ta cần phải hiểu rằng bản chất của sự vật chỉ là như thế, chỉ có vậy. Đó là sự thật. Nói đơn giản, đó là Phật, nhưng chúng ta không nhìn thấy Ngài ở đó. Chúng ta nghĩ đó là Đề Bà Đạt Đa*, chứ không phải Phật. Sự vô thường của Pháp – vô thường, khổ và vô ngã: không có gì sai với những điều này. Đó chỉ là tính cách của chúng.
Chúng ta gán ghép
quá nhiều tên và ý nghĩa cho chúng.
Khi bạn có thể nhìn thấy được điều gì đang xảy ra thì rất tốt. Nói một cách đơn giản: thí dụ như hôm nay khi ngồi thiền, tâm bạn được yên tĩnh, bạn tự nhủ, “Hừm, thật tuyệt vời”. Chỉ ngồi đó bạn cảm thấy tự tại. Điều này xảy ra liên tục trong hai hay ba ngày. “Tôi thật sự thích như thế”. Rồi ngày hôm sau khi bạn ngồi xuống để thiền, thì giống như đang ngồi trên ổ kiến lửa. Bạn không thể ngồi yên. Làm cách gì cũng không được. Bạn rất bực bội. Bạn tự hỏi: “Tại sao hôm nay không giống những ngày kia? Tại sao những ngày kia quá dễ chịu như thế?”
Bạn không thể
dừng suy nghĩ về những ngày kia.
Bạn muốn hôm nay
cũng giống như những ngày kia.
Ngay đó là bạn đã ảo tưởng.
Sự việc thay đổi. Chúng không chắc chắn và không thường hằng; chúng không bền vững. Chúng chỉ đi theo bản chất của mình. Đức Phật dạy chúng ta phải nhìn thấy rằng đó chỉ là bản chất của chúng. Bất cứ điều gì phát khởi chỉ là những thứ xưa cũ quay trở lại. Không có gì ở đó, nhưng chúng ta đặt tên và tạo quy ước về chúng: “Đây là cái tôi thích. Đó là cái tôi không thích”.
Điều gì chúng ta thích
sẽ khiến chúng ta hạnh phúc
– hạnh phúc vì ảo tưởng của mình:
hạnh phúc vì ảo tưởng của chúng ta,
chứ không phải
hạnh phúc vì đó là chân lý.
Khi tâm tĩnh lặng, Đức Phật khuyên chúng ta đừng chấp vào đó. Khi tâm loạn động, Ngài cũng khuyên chúng ta đừng chấp vào đó. Sự vật có thể xảy ra dưới muôn hình vạn trạng. Có cái cộng, cái trừ, cái nhân và chia. Đó là cách chúng ta tính toán các con số, nhưng chúng ta chỉ muốn làm toán nhân để có thể có nhiều thứ. Chúng ta không muốn làm toán cộng, toán trừ hay toán chia – và như thế thì sự tính toán của ta, tất cả sẽ sai lầm. Nếu chúng ta không có gì ngoại trừ toán nhân, thì liệu chúng ta có đủ không gian để chứa đựng tất cả mọi thứ? Nếu đó là cách chúng ta suy nghĩ, chúng ta sẽ ở trong trạng thái đảo điên. Đức Phật bảo rằng lối suy nghĩ đó không sáng suốt.
Sự tĩnh lặng của tâm
– trạng thái khinh an –
đến từ tâm không lo âu.
Nếu bạn không phải nghe nhiều thứ chuyện, tâm sẽ lắng động và yên tĩnh. Để có được sự tĩnh lặng này, hãy đi đến chỗ thanh vắng, đến nơi yên tĩnh và lắng động. Nếu bạn có thể rời xa các mối bận tâm, không phải thấy cái này, không phải biết cái kia, thì tâm có thể lắng động. Nhưng điều đó giống như một căn bệnh, như là căn bệnh ung thư. Vết thương có thể sưng nhưng chưa đau. Nó chưa hành hạ chúng ta, nó chưa đau đớn, nên chúng ta dường như khoẻ mạnh – dường như không có uế nhiễm trong tâm.
Tâm là như thế nếu ở những nơi thanh vắng. Khi nào bạn còn ở đó thì nó còn lắng động. Nhưng khi nó ra ngoài để nhìn cảnh và nghe âm thanh thì điều đó chấm dứt. Tâm không còn tự tại nữa. Làm thế nào bạn có thể tiếp tục ở một mình như thế mãi để không thấy cảnh, không nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, hay xúc chạm? Bạn có thể đi đâu? Không có nơi nào trên thế giới giống như thế cả.
Đức Phật muốn chúng ta vẫn thấy cảnh, vẫn nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị hay cảm giác xúc chạm: nóng, lạnh, cứng, mềm. Ngài muốn chúng ta nếm trải tất cả mọi thứ. Ngài không muốn chúng ta chạy trốn. Ngài muốn chúng ta nhìn, và khi chúng ta đã nhìn thì phải hiểu: “Ồ! Đó là bản chất của sự vật. Sự vật là như thế”. Ngài muốn chúng ta phát khởi tâm sáng suốt. Làm cách nào chúng ta phát khởi tâm sáng suốt? Đức Phật dạy rằng điều đó không khó – nếu chúng ta luôn thực hành. Khi vọng tưởng khởi lên: “Ồ! Điều này không chắc chắn. Điều này vô thường”. Khi tâm tĩnh lặng, đừng nghĩ, đừng nói “Ồ! Tâm thật tĩnh lặng và thật tuyệt vời”. Điều đó cũng không chắc chắn. Nếu quý vị không tin Sư, hãy cứ thử nghiệm.
Trích “Không Dừng Tu Tập”
Thiền Sư Ajahn Chah
(còn tiếp, xem Rõ Biết 4)
* Đề Bà Đạt Đa là anh em họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.