spot_img
spot_img
spot_img

Rõ biết 166

Thư Thầy Trò (7)
Tuệ thấy tánh
Tác giả: Viên Minh – Pháp Minh

 

Kính bạch thầy,

Con xin hỏi thêm thầy cho rõ hơn về vấn đề hữu vi – vô vi, chấp có – chấp không. Như con đã trình bày qua với thầy, con bắt đầu vào Đạo từ không môn (Lão Tử, Bát-nhã và Thiền đốn ngộ). Con nghĩ khá nhiều Phật tử Việt Nam cũng bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật theo cách thức này do sự phổ biến các kinh sách của Thiền Tông và văn hệ Bát-nhã. Tuy nhiên, người mới tu khi tiếp xúc ngay với các kinh sách này thường mắc phải một số lỗi như sau:

  1. Chấp Không:Tư duy và lời nói toàn những lý luận cao siêu, phóng khoáng nhưng trên thực tế thì không thực hành được. Nguy hiểm hơn là không quan tâm đến nhân quả, thiện ác và việc tu hành – vì thấy nó còn hình thức và chấp tướng – do đó trên thực tế là khó tu hành được.
  2. Mâu thuẫn:Do không thực sự hiểu được thế nào làkhông, nên không biết y cứ vào cơ sở thực tế nào để thực hành.
  3. Thiền chạy trốn:Khi gặp khó khăn thì lại quán đó là không để chạy trốn và chối bỏ trách nhiệm trong khi cần bình tĩnh đương đầu với khó khăn đó.
  4. Thiền gỗ đá:Coi mọi thứ là không và không muốn tâm có một chút vọng động, cảm xúc nào với hoàn cảnh bên ngoài.
  5. ng không chứ không phải tánh không:Điều này đúng là ngày xưa con cũng có cố gắngquán tưởng tánh không, gần đây đọc sách của thầy, con mới biết tu như vậy chỉ đạt được ng không của tưởng chứ đó không phải là tánh không của pháp.

Sau một thời gian tiếp xúc với không môn, mặc dù con có hiểu và biết sự đúng đắn cũng như lợi ích của nó nhưng con vẫn vướng vào các vấn đề ở trên và chủ yếu là không thể áp dụng nó hiệu quả để giải quyết khó khăn của mình. Sau đó, con đọc cuốn Niệm Phật Thập Yếu của HT. Thiền Tâm, trong đó có nói về chấp không, nên con quyết định chuyển sang tu hữu môn, để ý phát triển thiện tâm, trừ các tâm hành và thói quen xấu. Trong sách viết:

“Thà rằng chấp  như núi Tu di,
Còn hơn chấp không như hạt cải.”

Đây là thời kỳ con quán vô thường rất mạnh mẽ, luôn nghĩ việc tu hành gấp gáp – “ngày mai hay kiếp sau, cái gì sẽ tới trước?” – nên lại vướng phải hậu quả của việc tinh tấn quá mức. Nhưng cũng nhờ đọc sách về không môn mà con phát hiện và điều chỉnh dần nhược điểm này. Con học theo thầy Joseph Goldstein, quân bình giữa mục tiêu, cố gắng và buông xả. Tuy nhiên, cách tu của con vẫn mang nặng tính hình thức, lấy bỏ và hoàn thiện tương lai. Cách hiểu của con về việc quân bình giữa có và không, vô vi và hữu vi vẫn chưa thực sự thông; các kiến thức về không môn (về Niết bàn, buông xả) chỉ được áp dụng hạn chế để loại các lỗi chấp có nặng mà thôi. Con xin trình bày ra sau đây. Mong thầy chỉ cho các sai lầm trong nhận thức về vấn đề này:

  1. Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu:Về lý thì mọi thứ đều vô ngã, tánh không nhưng ban đầu nên bám sát theo nhân quả và hướng thiện, cũng như tu hành nên có thứ bậc và giai đoạn. Sau khi mọi thứ thuần thục thì nó sẽ trở thành bản tính tự nhiên của mình, lúc đó mình hành động đúng theo đạo lý nhưng hoàn toàn tự nhiên. Như thế mới đúng là vô vi, chứ không phải vô vi là không làm gì cả. Nếu như cách thầy nói về con, thì tức là hiện con vẫn mới đang nặng về “chiêu thức” mà chưa sử dụng nó thuần thục để chuyển sang “vô chiêu”.
  2. Việc tu hành giống như lột bỏ các lớp của một củ hành vậy: mỗi giai đoạn sẽ buông bỏ được một số sai lầm trong nhận thức, cảm xúc và hành động. Hết lớp phiền não này thì ta sẽ nhận biết và tu hành với lớp phiền não dưới, càng về sau càng vi tế hơn.

Quan điểm “lột vỏ củ hành” nghe thì khá hợp lý nhưng nếu theo nó thì con lại vướng vào những điều sau:

  1. Con hoàn toàn không đi theo thiền chỉ thẳng hay thiền đốn ngộ và con cũng không hiểu tại sao lại có thể có bước nhảy từ hữu chiêu sang vô chiêu được?
  2. Điều này (lột vỏ củ hành) cũng mâu thuẫn với việc tiếp xúc với chân lý ngay trong hiện tại, với tính chất phi thời gian của Pháp.
  3. Đúng như thầy nói là con cũng chỉứngdụng hiệu quả trong một số kinh nghiệm cục bộ chứ chưa thấy tính toàn diện của Pháp. Hai nữa là nhiều khi con phải đợi sự kiện hay thất bại xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm và khắc phục nó trong những lần sau chứ không xử lý được vấn đề ngay khi nó vừa mới xuất hiện.
  4. Con vẫn giữ quan điểm đúng về Niết bàn hay bản tánh của Pháp là không nên sẽ không mắc phải các lỗi chấp  quá nặng, nhưng như thế này thì con vẫn tách biệt mình với Pháp và vướng vào thủ xả.

Con muốn hỏi thầy:

  1. Liệu có cách hiểu như thế nào để tránh được cả hai cực đoan chấp có và chấp không hay không?
  2. Với người mới vào đạo thì nên tu hành như thế nào? Con nghĩ là nên thiên về hữu: bám sát vào nhân quả, thiện ác và các pháp môn để vượt qua tâm hành xấu, nhưng tất nhiên là có nói đến vô ngã, tánh không, buông xả để tinh tấn một cách quân bình, vừa sức.
  3. Việc phân chia không môn  hữu môn (tất nhiên là cho người học đạo chứ không phải cho người đã giác ngộ) có hợp lý không hay là lại gây thêm khó khăn cho người học đạo?

Sau khi nghe thầy nói về lỗi “lý trí và hữu chiêu” của con, con cũng có thay đổi lại cho việc tu hành mềm mại hơn, tập trung vào hiện tại hơn và bắt đầu thấy có một số chuyển biến tốt. Hiện cách tu của con là nhắc mình quay về với hiện tại, quan sát trực tiếp vạn pháp mà không qua tư duy, lý luận theo kinh điển. Niết-bàn ngay ở đây và bây giờ. Các việc làm khởi lên theo duyên và tùy thuận theo Pháp, chứ không phải lo nghĩ, tính toán nhiều.

Con cũng đã quan sát được các phiền não chính hiện nay của mình và không bị hoàn toàn buông xuôi theo nó như trước. Con thấy rất vui vì điều này. Con xin hỏi khi phiền não khởi lên thì quan sát ngay tánh vô ngã của nó và nhớ rằng phiền não chính là một phần của thực tại (trước đây con hiểu là phiền não là lớp rào ngăn cản mình nhìn thấy thực tại do đó cần phải tiêu diệt nó).  Càng quan sát thì sẽ càng thấy rõ phiền não đó hơn và khi thực sự thấy thì nó sẽ không khởi lên nữa. Cách hiểu mới của con có đúng không? Có phải cách hiểu cũ của con chỉ có thể đúng trên khái niệm nhưng trên thực tại thì sai, phải không?

Kính mong thầy giải đáp thắc mắc về nhận thức và pháp hành này cho con.

Kính chúc thầy luôn khỏe mạnh và việc hoằng pháp được nhiều thuận lợi.

Con, Pháp Minh.

Pháp Minh con, 

Để con dễ theo dõi từng vấn đề, thầy sẽ góp ý ngay dưới từng đoạn con nêu ra trong thư:

– PM: Kính bạch thầy, con xin hỏi thêm thầy cho rõ hơn về vấn đề hữu vi – vô vi, chấp có – chấp không. Như con đã trình bày qua với thầy, con bắt đầu vào Đạo từ không môn (Lão Tử, Bát-nhã và Thiền đốn ngộ). Con nghĩ khá nhiều Phật tử Việt Nam cũng bắt đầu tiếp xúc với đạo Phật theo cách thức này do sự phổ biến các kinh sách của Thiền Tông và văn hệ Bát-nhã. Tuy nhiên, người mới tu khi tiếp xúc ngay với các kinh sách này thường mắc phải một số lỗi như sau:

  1. Chấp Không:Tư duy và lời nói toàn những lý luận cao siêu, phóng khoáng nhưng trên thực tế thì không thực hành được. Nguy hiểm hơn là lại không quan tâm đến nhân quả, thiện ác và việc tu hành – vì thấy nó còn hình thức và chấp tướng – do đó trên thực tế là khó tu hành được.

Thầy: Chấp không chỉ xảy ra khi chưa thực sự thấy tánh không của ngã và pháp. Có thể hiểu tánh không qua kiến thức, như là tính chất vô thường, sinh diệt, duyên khởi, không có thực thể độc lập v.v. mà các nhà khoa học và các triết gia đều có thể hiểu được dễ dàng, nhưng đó không phải là thấy biết chân thực (chánh tri kiến) của thiền. Tánh không rốt ráo là bản chất đang là của pháp, không bị ý niệm, nhất là ý niệm bản ngã tham-sân-si (vô minh, ái dục) che lấp. Khi không bị bản ngã tham-sân-si che lấp thì tất cả pháp đều là chân không diệu hữu chứ không phải là không có gì cả. Vậy nếu thực thấy pháp thì làm sao mà chấp không được? Tu chính là điều chỉnh thái độ thấy biết để trực nhận thực tánh pháp. Theo thiền Vipassanā, thái độ đó là tâm thường sáng suốt, định tĩnh, trong lành (tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác) mà Thiền Tông gọi là liễu liễu thường tri. Khi đã thấy thực tánh thì mọi sai lầm bất thiện sẽ tự hoại.

– PM: 2. Mâu thuẫn: Do không thực sự hiểu được thế nào là không, nên không biết y cứ vào cơ sở thực tế nào để thực hành.

Thầy: Không ở đây là bản chất rỗng lặng trong sáng của tánh biết, là tánh không của tâm giác ngộ giải thoát, hoàn toàn vô vi, vô ngã, chứ không phải là tánh rỗng không của sự vật bên ngoài. Khi không bị bản ngã vô minh ái dục ngăn che thì tánh biết tự sáng suốt, định tĩnh, trong lành. Thiền Vipassanā quan sát thực tại thân-thọ-tâm-pháp ngay nơi thực tánh của pháp bằng tánh biết sáng suốt, định tĩnh, trong lành đó, không để ý niệm của bản ngã tham ưu xen vào, thì ngay đó thấy được thực tánh là chân không diệu hữu, thấy rõ nhân quả thực hư v.v. Đó chính là cơ sở thực tế để thiền.

– PM: 3. Thiền chạy trốn: Khi gặp khó khăn thì lại quán đó là không để chạy trốn và chối bỏ trách nhiệm trong khi cần bình tĩnh đương đầu với khó khăn đó.

Thầy: Quán không không phải là suy nghĩ rằng mọi sự kiện đều rỗng không, không có thực, mà là trực tiếp thấy ra bản chất thực của mọi sự kiện. Chẳng hạn như khó khăn là một sự kiện có thực, nhưng khó khăn không hẳn là nguyên nhân của đau khổ. Chính khi khởi lên tâm bực tức, lo lắng, sợ hãi thì một bản ngã liền được hình thành đối kháng với khó khăn ấy, nên đau khổ mới bắt đầu phát sinh. Như vậy không cần phải quán khó khăn không có thực tánh để tự đánh lừa hay trốn chạy, mà phải biết sử dụng tánh biết rỗng lặng trong sáng để soi thấy (quán) bản ngã lo lắng sợ hãi là không thật, chỉ là ảo tưởng tạo ra ảo giác khổ đau.

– PM: 4. Thiền gỗ đá: Coi mọi thứ là không và không muốn tâm có một chút vọng động, cảm xúc nào với hoàn cảnh bên ngoài.

Thầy: “Coi mọi thứ là không” cũng chỉ là ảo tưởng. Thực ra, mọi thứ đều có thực tánh (sabhāva) như nó đang là (yathābhūta), còn ý niệm có / không là do ý niệm của bản ngã lý trí chụp mũ lên pháp. Do đó chính bản ngã mới chịu hậu quả của ý niệm có / không ấy chứ pháp vẫn như nó là. Tâm không vọng động không có nghĩa là thờ ơ, lạnh lùng hay vô cảm với hoàn cảnh bên ngoài, mà thật ra khi không vọng động chính là lúc tâm linh động và hoạt dụng cực kỳ bén nhạy, biết tự động điều chỉnh và thích nghi để sống tùy duyên thuận pháp.

– PM: 5. Tưng không chứ không phải tánh không: Điều này đúng là ngày xưa con cũng có cố gắng quán tưởng tánh không, gần đây đọc sách của thầy, con mới biết tu như vậy chỉ đạt được ng không của tưởng chứ đó không phải là tánh không của pháp.

Thầy: Đúng vậy. Rất dễ nhầm lẫn giữa chữ quán theo nghĩa quán tưởng (paccavekkhati) và chữ quán theo nghĩa quán chiếu (vipassati). Quán tưởng là suy nghĩ về đối tượng thông qua những khái niệm, còn quán chiếu là lặng lẽ chiếu soi trực tiếp trên đối tượng không qua khái niệm nào. Quán tưởng về tánh không thì chỉ thấy tướng không, quán chiếu trực tiếp trên thực tại mới thấy tánh không rốt ráo.

– PM: Sau một thời gian ban đầu tiếp xúc với không môn, mặc dù con có hiểu và biết sự đúng đắn cũng như lợi ích của nó nhưng con vẫn vướng vào các vấn đề ở trên và chủ yếu là không thể áp dụng nó hiệu quả để giải quyết khó khăn của mình. Sau đó, con đọc cuốn Niệm Phật Thập Yếu của HT. Thiền Tâm, trong đó có nói về chấp không, nên con quyết định chuyển sang tu hữu môn, để ý phát triển thiện tâm, trừ các tâm hành và thói quen xấu. Trong sách viết:

“Thà rằng chấp  như núi Tu di,
Còn hơn chấp không như hạt cải.”

Đây là thời kỳ con quán vô thường rất mạnh mẽ, luôn nghĩ việc tu hành gấp gáp – “ngày mai hay kiếp sau, cái gì sẽ tới trước?”, nên lại vướng phải hậu quả của việc tinh tấn quá mức. Nhưng cũng nhờ đọc sách về không môn mà con phát hiện và điều chỉnh dần được nhược điểm này. Con học theo thầy Joseph Goldstein, quân bình giữa mục tiêu, cố gắng và buông xả. Tuy nhiên, cách tu của con vẫn mang nặng tính hình thức, lấy bỏ và hoàn thiện tương lai. Cách hiểu của con về việc quân bình giữa có và không, vô vi và hữu vi vẫn chưa thực sự thông; các kiến thức về không môn (về Niết bàn, buông xả) chỉ được áp dụng hạn chế để loại các lỗi chấp có nặng mà thôi. Con xin trình bày ra sau đây. Mong thầy chỉ cho các sai lầm trong nhận thức về vấn đề này:

Thầy: Sở dĩ bày ra không môn và hữu môn đối lập nhau là vì chưa thực thấy tánh đang là (yathābhūta) chân không diệu hữu đồng thời của pháp. Tuệ thấy pháp như nó đang là gọi là tuệ kiến như thị (yathābhūta ñāṇa-dassana) trong thiền Vipassanā. Mọi cố gắng để quân bình giữa có và không, vô vi và hữu vi hoặc quân bình giữa mục tiêu, cố gắng và buông xả đều là hữu vi, hữu ngã do đó con vẫn lúng túng chưa thông là phải. Khi nào con thấy pháp là pháp chứ không phải ngã, thì pháp tự nó quân bình, không cần ý chí xen vào giải quyết.

– PM: 1. Lý tuy đốn ngộ, sự phải tiệm tu: Về lý thì mọi thứ đều là vô ngã, tánh không nhưng ban đầu nên bám sát theo nhân quả và hướng thiện, cũng như tu hành nên có thứ bậc và giai đoạn. Sau khi mọi thứ thuần thục thì nó sẽ trở thành bản tính tự nhiên của mình, lúc đó mình hành động đúng theo đạo lý nhưng hoàn toàn tự nhiên. Như thế mới đúng là vô vi, chứ không phải vô vi là không làm gì cả. Nếu như cách thầy nói về con, thì tức là hiện con vẫn mới đang nặng về “chiêu thức” mà chưa sử dụng nó thuần thục để chuyển sang “vô chiêu”.

Thầy: Điều con vừa phát biểu vẫn còn đứng trên tầm nhìn của bản ngã. Khi con nói: “Sau khi mọi thứ thuần thục thì nó sẽ trở thành bản tính tự nhiên của mình, lúc đó mình hành động đúng theo đạo lý nhưng hoàn toàn tự nhiên” thì trước sau vẫn là bản ngã, dù bản ngã đạt được tự nhiên thì cũng không phải là vô ngã. Cái ngã càng đạt được mức độ cao thâm chừng nào càng khó thấy vô ngã chừng đó.

Con lại nói: “Hiện con vẫn đang nặng về “chiêu thức” mà chưa sử dụng nó thuần thục để chuyển sang “vô chiêu”, vậy là lại một lần nữa xác định bản ngã đang muốn luyện tập chiêu thức cho thuần thục để chuyển sang vô chiêu. Không bao giờ chiêu thức lại biến thành vô chiêu, mà phải quên chiêu thức đi, hoặc không cần dùng bất kỳ chiêu thức nào nữa thì mới vô chiêu được. Sai lầm lớn nhất trong tu hành là khởi đầu cố gắng tu hữu vi cho hoàn hảo để mong trở thành vô vi. Chẳng khác nào một người gánh rơm rác thuê nghĩ rằng nếu đổi qua gánh vàng ngọc thuê thì sẽ được nhẹ nhàng hơn vậy! Mâu thuẫn của bản ngã là cũng muốn giải thoát cho nhẹ nhàng, nhưng lại cố gắng đeo mang thêm nhiều cái gọi là cao quí, hoàn hảo. Thực ra pháp vốn đã hoàn hảo rồi, chỉ tại cái ngã tham cầu mà không thấy hoặc muốn thấy pháp hoàn hảo theo ý mình nên không bao giờ như ý!

Có thứ bậc trong tu chứng, nhưng là thứ bậc trong việc từ bỏ hữu vi cho đến khi hoàn toàn vô vi, chứ không bao giờ có thứ bậc tu hữu vi cho hoàn hảo để đạt đến vô vi cả. Tu hành là thấy ra cái sai xấu thì liền hiển thị cái đúng tốt tự nhiên của pháp, chứ không phải rèn luyện cái đúng tốt theo một tiêu chí nào của bản ngã đề ra. Đốn ngộ là thấy ra bản chất sự thật, tiệm tu là thời gian tất yếu để hóa giải dần cái sai đã thành tập tính. Hai động tác này luôn đi chung và đồng thời với nhau không thể tách rời được.

Ví dụ, hành thiền Vipassanā có thể thấy ngay thực tánh vô ngã, đó là đốn ngộ, nhưng phải mất một thời gian lâu mau tùy theo căn tính của mỗi người mới hóa giải được hết cái ngã đã tập nhiễm lâu đời. Đó là tiệm tu. Có điều ngã thì không bao giờ hóa giải ngã được. Thấy pháp thì ngã liền tự giải.

– PM: 2. Việc tu hành giống như lột bỏ các lớp của một củ hành vậy: mỗi giai đoạn sẽ buông bỏ được một số sai lầm trong nhận thức, cảm xúc và hành động. Hết lớp phiền não này thì ta sẽ nhận biết và tu hành với lớp phiền não dưới, càng về sau càng vi tế hơn.

Thầy: Tuy ví dụ “tu hành giống như lột bỏ các lớp của một củ hành” là đúng, nhưng đó không phải là hành động ý chí của bản ngã nhằm lột bỏ những trở ngại gây tai hại cho bản thân nó, mà là động tác tự nhiên của pháp đào thải các lớp phiền não do ảo tưởng của bản ngã chủ quan gây ra. Bản ngã luôn cố gắng hoàn thiện mình bằng cách loại trừ các chướng ngại, nhưng pháp lại luôn tùy ứng những chướng ngại để loại bỏ ảo tưởng bản ngã ra khỏi bản chất của pháp. Vậy, nếu thuận ngã mà tu thì “đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, xu hướng chân như tổng thị tà”, còn thuận pháp mà tu thì phiền não ắt tự sinh tự diệt, không cần động tác lột bỏ hữu vi của bản ngã.

– PM: Quan điểm “lột vỏ củ hành” nghe thì khá hợp lý nhưng nếu theo nó thì con lại vướng vào những điều sau:

  1. Con hoàn toàn không đi theo thiền chỉ thẳng hay thiền đốn ngộ và con cũng không hiểu tại sao lại có thể có bước nhảy từ hữu chiêu sang vô chiêu được?

Thầy: Thiền Vipassanā hay thiền đốn ngộ gì cũng không có bước nhảy nào “từ hữu chiêu sang vô chiêu” cả, mà phải buông bỏ hữu chiêu của bản ngã thì vô chiêu của pháp liền xuất hiện. Nếu là vô chiêu của bản ngã thì đó vẫn là một chiêu. Vấn đề không phải là tu theo trường phái nào mà là có để cho tánh thấy thấy pháp ngay tại đây và bây giờ không, hay mãi lo loay hoay áp dụng chiêu thức, phương pháp, pháp môn để rồi pháp đã “ngàn dặm ra đi” mà vẫn chẳng thấy gì cả!

– PM: 2. Điều này (lột vỏ củ hành) cũng mâu thuẫn với việc tiếp xúc với chân lý ngay trong hiện tại, với tính chất phi thời gian của Pháp.

Thầy: Đúng vậy. Vì tính chất phi thời gian (akāliko) của pháp nên phải thấy ngay, đừng tính toán đến thời gian từ khởi điểm đến cuối cùng, đừng để ý niệm nào xen vào dù đó là ý niệm Hoa Nghiêm, Đốn Ngộ hay Vipassanā v.v. vì chỉ hao tổn công sức tạo ra thời gian mà thôi.

– PM: 3. Đúng như thầy nói là con cũng chỉ ứng dụng hiệu quả trong một số kinh nghiệm cục bộ chứ chưa thấy tính toàn diện của Pháp. Hai nữa là nhiều khi con phải đợi sự kiện hay thất bại xảy ra rồi mới rút kinh nghiệm và khắc phục nó trong những lần sau chứ không xử lý được vấn đề ngay khi nó vừa mới xuất hiện.

Thầy: Thầy nhắc lại là tại vì con chỉ “rút kinh nghiệm để khắc phục, xử lý lần sau”Con nên biết, tất cả kinh nghiệm, kết luận, kiến thức, sở đắc v.v… đều là thuộc tính của bản ngã, thời gian và đau khổ. Khi con áp dụng kinh nghiệm, kết luận, kiến thức, sở đắc cục bộ có trước cho một sự kiện đến sau thì con không thể trực nhận sự kiện ấy như nó đang là nên mới rơi vào kinh nghiệm cục bộ.

Ngay nơi pháp thấy tánh (thực tánh pháp) chứ không phải pháp là phương tiện để con rút ra kinh nghiệm. Kinh nghiệm cục bộ khác với thấy tính toàn diện của pháp ở chỗ một bên có chỗ đến chỗ dừng, có chỗ để trở thành nên mới có luân hồi sinh tử; một bên đến đi tự tại thong dong mà Phật gọi là “không bước tới, không dừng lại” nên mới thoát khỏi luân hồi sinh tử.

– PM: 4. Con vẫn giữ quan điểm đúng về Niết-bàn hay bản tánh của Pháp là không nên sẽ không mắc phải các lỗi chấp  quá nặng, nhưng như thế này thì con vẫn tách biệt mình với Pháp và vướng vào thủ xả.

Thầy: Đúng vậy, còn ý niệm có / không là vẫn còn tự tách rời pháp, nên dĩ nhiên là còn chấp thủ nhị nguyên, tham sân, thủ xả. Niết-bàn, tánh không của pháp, không phải là quan niệm, thì con giữ quan niệm gì? Và chống lại quan niệm gì? Chẳng phải buông hết mọi quan niệm thì ngay đó là tánh không, là Niết-bàn sao?

– PM: Con muốn hỏi thầy:

  1. Liệu có cách hiểu như thế nào để tránh được cả hai cực đoanchấp cóvà chấp không hay không?

Thầy: Con lại nói “có cách hiểu như thế nào để tránh…”“Có cách” tức là rơi vào phương pháp, mà thầy đã nói phương pháp là sản phẩm của tư tưởng, bản ngã chỉ tạo ra thời gian và đau khổ. Còn “hiểu như thế nào” lại rơi vào lý trí vọng thức. Cả “cách” và “hiểu” đều là trở ngại khiến con không thể ngay đó thấy được thực tại hiện tiền. Ngay khi buông ra cái ngã lăng xăng tìm cách để hiểu (sở tri), để được (sở đắc) thì tánh biết liền thấy pháp đúng như thực tánh chân đế muôn đời mà tất cả các bậc giác ngộ đều đã từng thấy.

– PM: 2. Với người mới vào đạo thì nên tu hành như thế nào? Con nghĩ là nên thiên về hữu: bám sát vào nhân quả, thiện ác và các pháp môn để vượt qua tâm hành xấu, nhưng tất nhiên là có nói đến vô ngã, tánh không, buông xả để tinh tấn một cách quân bình, vừa sức.

Thầy: Đó vẫn là cách tu hữu vi, hữu ngã. Tu như vây có thể trở nên thiện ích, an lạc, nhưng hữu hạn, đó không phải là đạo giác ngộ giải thoát mà đức Phật thực sự chỉ bày. Chủ đích của đức Phật là chỉ bày cho mọi người thấy ra chân lý. Rất nhiều người ngay đó giác ngộ và khi đã thấy pháp, thì đương nhiên thấy rõ nhân quả, thiện ác; đồng thời đã sống thuận pháp thì đương nhiên được thiện ích, an lạc. Tuy nói tu vô vi vô ngã nhưng thiện ích và an lạc cho mình và người là vô hạn. Đó là bậc tùy pháp hành. Một số người khác chưa thấy pháp, chỉ mới hiểu và tin, nhưng nhờ có Phật và các bậc Thánh hướng dẫn nên vẫn đi đúng hướng và giác ngộ giải thoát. Đó là bậc tùy tín hành. Những người còn lại, trí tuệ và đức tin non kém, nên cứ theo tầm hiểu biết chủ quan và nỗ lực cá nhân của mình mà tu tập, trải qua kinh nghiệm này đến kinh nghiệm khác, cứ tưởng là đúng rồi lại thấy sai, mày mò điều chỉnh rất lâu vẫn rơi vào cục bộ. Nếu sớm được bậc thiện trí thức khai thị may ra tìm được đường về, bằng không thì lạc lối trong mê đồ của bản ngã, cao lắm thì được lên các cõi trời, nhưng rơi vào ngã mạn, tà kiến và tẩu hỏa nhập ma là khả năng rất lớn.

– PM: 3. Việc phân chia không môn  hữu môn (tất nhiên là cho người học đạo chứ không phải cho người đã giác ngộ) có hợp lý không hay là lại gây thêm khó khăn cho người học đạo?

Thầy: Như thầy đã nói ở trên, có / không chỉ là những khái niệm thuộc về tục đế (sammuti sacca), nghĩa là những khái niệm ước định (paññatti) của thế gian, không phải là tánh đế (sabhāva sacca) hay chân đế (paramattha sacca), nghĩa là sự thật rốt ráo như chính bản thân nó là. Vì vậy, 200 năm sau đức Phật Niết-bàn, trong thời kỳ phát triển Tiểu Thừa mới có Phái Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương tất cả pháp đều có, rồi luận sư Heravama lại chủ trương tất cả pháp đều không. Và một lần nữa, 600 năm sau đức Phật Niết-bàn, trong thời kỳ phát triển Đại Thừa lại có Phái Không Luận của Long Thọ và Phái Hữu Luận của Thế Thân ra đời khẳng định rõ nét hơn bằng luận cứ có / không nổi tiếng của mình. Nhưng trong Phật Giáo Nguyên Thủy đức Phật đã dạy “bốn khái niệm có, không, vừa có vừa không, không có không không, đều không áp dụng được cho thực tánh pháp”. Như vậy con nói ý niệm có / không “lại gây thêm khó khăn cho người học đạo” là hoàn toàn chính xác.

– PM: Sau khi nghe thầy nói về lỗi “lý trí và hữu chiêu” của con, con cũng có thay đổi lại cho việc tu hành mềm mại hơn, tập trung vào hiện tại hơn và bắt đầu thấy có một số chuyển biến tốt. Hiện cách tu của con là nhắc mình quay về với hiện tại, quan sát trực tiếp vạn pháp mà không qua tư duy, lý luận theo kinh điển; Niết bàn ngay ở đây và bây giờ. Các việc làm khởi lên theo duyên và tùy thuận theo Pháp, chứ không phải lo nghĩ, tính toán nhiều.

Con cũng đã quan sát được các phiền não chính hiện nay của mình và không bị hoàn toàn buông xuôi theo nó như trước. Con thấy rất vui vì điều này. Con xin hỏi khi phiền não khởi lên thì quan sát ngay tánh vô ngã của nó và nhớ rằng phiền não chính là một phần của thực tại (trước đây con hiểu là phiền não là lớp rào ngăn cản mình nhìn thấy thực tại do đó cần phải tiêu diệt nó).  Càng quan sát thì sẽ càng thấy rõ phiền não đó hơn và khi thực sự thấy thì nó sẽ không khởi lên nữa. Cách hiểu mới của con có đúng không? Có phải cách hiểu cũ của con chỉ có thể đúng trên khái niệm nhưng trên thực tại thì sai, phải không?

Thầy: Hướng tu hiện nay của con đã bắt đầu đúng hướng. Thiền là thấy ra thực tánh pháp mà đức Phật gọi là Vipassanā còn Thiền Tông gọi là kiến tánh. Khi không còn lý trí của bản ngã lăng xăng che lấp thì thực tánh pháp tự trình hiện, vì lúc đó tánh thấy hoàn toàn rỗng lặng trong sáng không còn bị vọng thức nào ngăn ngại nữa. Có điều là tự nhiên thôi, đừng quá tinh tấn mà tạo ra kẽ hở để bản ngã tham-sân-si có dịp xen vào.

Thầy Viên Minh.

RELATED ARTICLES

Rõ biết 252

Rõ biết 251

Rõ biết 250

Weather

Australia
clear sky
26.4 ° C
26.4 °
26.4 °
29 %
4.5kmh
0 %
Fri
26 °
Sat
33 °
Sun
36 °
Mon
38 °
Tue
40 °

CALENDAR

LATEST NEWS

PRAISE Summit 2024

Rõ biết 252

Rõ biết 251

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe