spot_img
spot_img
spot_img

Rõ biết 135

Câu thần chú thứ sáu

Ta sử dụng câu thần chú này khi có một ai khen ngợi hay chỉ trích ta. Trong cả hai trường hợp đều có thể áp dụng như nhau.

Câu thần chú thứ sáu là

“Anh có thể đúng một phần nào”.

Tôi có lẫn ưu điểm cũng như khuyết điểm. Nếu ai khen, tôi sẽ không quá tự hào mà quên những yếu kém của tôi. Nếu ai chỉ trích, tôi sẽ không bị ám ảnh mà không biết rằng tôi còn có những điểm tích cực.

Khi ta chỉ nhìn vào những gì tốt đẹp nơi một người khác, ta có xu hướng bỏ qua những gì không mấy tốt đẹp nơi người ấy. Là con người, chúng ta đều có ưu điểm và khuyết điểm. Cho nên, nếu có ai ca tụng ta quá lời, cho rằng ta là tuyệt hảo thì ta có thể nói: “Bạn có thể đúng một phần nào đấy thôi. Bạn cũng biết đấy, rằng tôi còn có những yếu kém”. Như thế, ta sẽ giữ được thái độ khiêm nhường. Ta sẽ không trở thành nạn nhân của ảo tưởng tự cao bởi vì ta biết là ta không hoàn hảo. Đây là một điểm quan trọng. Khi nói lên câu thần chú thứ sáu, ta tỏ thái độ khiêm nhường.

Cũng vậy, nếu có ai chỉ trích ta, ta có thể trả lời rằng người ấy chỉ mới thấy được một phần của sự thật mà không thấy những ưu điểm của ta. “Bạn chỉ mới nói lên một phần sự thật mà thôi. Trong tôi còn có những ưu điểm nhưng bạn không thấy đấy thôi!”

Nếu có ai chỉ trích ta thì ta có thể trả lời: “Anh chỉ nói đúng một phần nào thôi. Tôi cũng có nhiều điểm tích cực”. Ta có thể trả lời như thế trong im lặng hay nói lên bằng lời nhã nhặn: “Anh chỉ thấy một phần của tôi thôi, không phải toàn phần của tôi. Trong tôi có nhiều điều tích cực hơn nhiều lắm”.

Câu thần chú thứ sáu là sự thật.

Ta không nói dối
và không khiêm nhường giả dối.

Ta chỉ nói lên câu thần chú, nói cho người kia nghe hay nói thầm với mình. Trong ta có nhiều đức tính tốt đẹp mà cũng có nhiều thiếu kém. Ta chấp nhận cả hai. Nhưng chấp nhận như thế không cản trở ta phát triển những đức tính tốt hay ngăn ngừa những thiếu kém.

Chúng ta có thể sử dụng phương pháp ấy khi suy xét một người khác. Ta chấp nhận người khác cũng như ta chấp nhận chính ta. Ta biết rằng những gì người ấy biểu hiện chỉ là một phần của người ấy. Trước khi phán xét la mắng một người khác, ta phải nhìn sâu. Có người rất nhạy cảm. Chỉ một lời trách móc nhẹ cũng đủ làm cho người ấy khổ sở. Chúng ta chấp nhận chính mình với tất cả yếu kém và sẽ được bình an. Ta không phán xét ta. Ta chỉ chấp nhận. Tôi có những đức tính và những yếu kém, nhưng từ từ tôi sẽ cải thiện. Nếu nhìn vào ta như thế thì ta cũng sẽ nhìn người khác như thế, nghĩa là không phán xét. Mặc dù người kia có nhiều yếu kém nhưng người ấy cũng có nhiều tài năng, nhiều điểm tích cực. Không ai là không có những điểm tích cực. Cho nên nếu có ai phán xét ta một cách sai lầm thì ta phải nghĩ rằng người ấy chỉ nói đúng một phần nào mà thôi. Người ấy chỉ thấy một khía cạnh nào đó của ta chứ không phải toàn thể con người của ta. Và ta không vì thế mà đau khổ.

Chúng ta có thể sử dụng sáu câu thần chú này để thắt chặt mối quan hệ của chúng ta với người khác. Elizabeth, một người bạn của tôi, gần đây có chia sẻ với tôi rằng cô ấy đã sử dụng các câu thần chú ấy trong nhiều trường hợp. Cô có một người chị lớn hơn cô một tuổi. Hai người cùng lớn lên. Nhưng qua năm tháng, khi trưởng thành Elizabeth có tính hay “lên tiếng dạy dỗ” chị, khuyên bảo chị làm này nọ, khiến cho người chị lắm khi phản ứng mạnh.

Nhờ thực tập chánh niệm mà Elizabeth đã ý thức hơn về những điều mình sắp nói. Cô biết thay đổi thói quen là rất quan trọng. Khi đến thăm chị, Elizabeth thực tập câu thần chú thứ hai: “Em biết chị có đó và em rất hạnh phúc”.

Elizabeth cảm nhận sự có mặt của chị cô ấy, trong thâm tâm cô ấy trân quý sự có mặt của chị trong đời sống của mình, và biết rằng chị mình đã cố gắng hết lòng.

Elizabeth cũng đã áp dụng câu thần chú trong đời sống vợ chồng. Mới đầu, mỗi khi chồng nói một điều gì làm cô bực mình thì cô tức thì phản ứng với ý muốn trừng phạt. Bây giờ thì cô đã dịu dàng đến với chồng và sử dụng câu thần chú thứ tư: “Anh nói gì mà em không hiểu lắm. Anh nói lại cho em nghe đi!”. Chồng của Elizabeth sẽ trả lời và thường thường thì cô khám phá ra rằng lời chồng nói không liên quan gì mấy tới mình. Nhiều lúc chỉ là vì một chuyện gì khác. Câu thần chú này đã “mở cửa” để cô thấy việc gì đang xảy ra cho chồng.

Nhiều khi Elizabeth nói với chồng một điều gì khiến chồng phản ứng mạnh và cô đã phản ứng trở lại. Nhưng rồi cô thực tập câu thần chú thứ ba: “Em biết anh đang đau khổ và em có mặt đây cho anh”. Cô hỏi chồng: “Anh giận có phải là vì điều em nói hay không? Em thực sự muốn biết chuyện gì đã xảy ra. Em xin lỗi. Em không có ý làm cho anh giận. Anh cho em biết để em hiểu vì sao điều em nói đã làm cho anh giận”.

Elizabeth cũng nói với tôi về một việc xảy ra khi cô ở Làng Mai. Tại vườn hoa trong làng, cô đã hái những cánh hoa hồng sắp rụng để nấu trà. Một bác làm vườn thấy thế đã nặng lời trách cô, đáng lẽ ra là để hoa cho tất cả mọi người cùng ngắm. Elizabeth trả lời rằng cô không hái những cánh hoa tươi mà chỉ hái những cánh hoa héo. Nhưng bác làm vườn vẫn không bằng lòng. Elizabeth đến tham vấn một sư cô trong làng. Sư cô cắt nghĩa rằng gần đây có người đã ngắt hoa hồng cho riêng mình và bác làm vườn rất bực mình. Sư cô nói, “Chỉ vì chị gặp lúc bác làm vườn đang bực mình”. Sau đó, Elizabeth đã tới gặp bác làm vườn và nói, “Tôi đã hiểu tình trạng đã xảy ra trước đây. Từ nay, nếu bác muốn, tôi sẽ không ngắt hoa nữa đâu!”. Bác làm vườn đang chuẩn bị một chuyến đi sang Đức. Elizabeth thực tập câu thần chú thứ nhất: “Tôi có mặt đây cho bác” và nói với bác làm vườn rằng trong thời gian ông vắng mặt, cô ấy tình nguyện tưới vườn và chăm sóc các cây hoa hồng.

Một thiền sinh khác của khóa tu chia sẻ rằng anh đã rất đau khổ trong khóa tu. Anh đã thực tập câu thần chú thứ tư: “Tôi đang đau khổ, xin giúp tôi” và nói với người bạn cùng phòng rằng anh không muốn nói chuyện nhiều mà chỉ muốn có không gian cho riêng mình. Điều này giúp những người bạn cùng phòng hiểu chuyện gì đã xảy ra, không lấy làm phiền lòng và chấp nhận rằng anh ta không muốn gần gũi thân mật với các bạn cùng phòng. Biết được ý muốn của anh bạn thiền sinh và nhu cầu được giúp đỡ của anh đã giúp ích rất nhiều.

Câu thần chú thứ sáu là một câu mà ai cũng có thể thực tập được trong gia đình. Trẻ em cũng thực tập được. Lắm lúc trẻ em cảm thấy bất lực trong gia đình. Với chánh niệm, chú tâm và thực tập câu thần chú thứ sáu, các em đó có phương cách xử lý. Nói lên câu thần chú thứ sáu với tất cả thương yêu và sự có mặt của mình, các em có thể thay đổi tình hình – có khi rất căng thẳng – tức khắc. Câu thần chú ấy cũng giúp cho cha mẹ nói lên những lời yêu thương thay vì nghiêm khắc khi nói chuyện, dạy dỗ con cái. Khi gia đình không có quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái, cả hai bên đều đau khổ,

câu thần chú thứ sáu
là cơ hội thực tập ái ngữ,
lắng nghe sâu và
mở lối truyền thông.

Nhờ đó mà có sự cảm thông, hiểu biết nhau và tình yêu sẽ là tình yêu chân thật vì đã được xây dựng bằng sự hiểu biết.

Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh

RELATED ARTICLES

Rõ biết 252

Rõ biết 251

Rõ biết 250

Weather

Australia
clear sky
26.4 ° C
26.4 °
26.4 °
29 %
4.5kmh
0 %
Fri
26 °
Sat
33 °
Sun
36 °
Mon
38 °
Tue
40 °

CALENDAR

LATEST NEWS

PRAISE Summit 2024

Rõ biết 252

Rõ biết 251

spot_img

About Me

Quick Links

Stay connected

16,985FansLike
2,458FollowersFollow
61,453SubscribersSubscribe