Đây là lúc chỉ để lắng nghe
Lắng nghe là một thực tập kỳ diệu. Nếu bạn lắng nghe ai trong khoảng 30 phút, bạn có thể giúp người ấy bớt đau khổ rất nhiều. Nếu không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu, bạn không thể lắng nghe lâu được. Chánh niệm với tâm thương yêu nghĩa là lắng nghe với ý muốn giúp người kia bớt đau khổ. Có thể ý muốn của bạn là chân thành, nhưng nếu bạn không thực tập lắng nghe bạn trước nhất và không thực tập chánh niệm với tâm thương yêu thì không bao lâu bạn sẽ mất đi khả năng lắng nghe.
Người kia có thể nói những lời sai lầm, cay chua, buộc tội, trách móc. Nếu không có chánh niệm, những lời người ấy nói sẽ làm cho bạn bực mình, phán xét, tức giận và không còn khả năng lắng nghe với tâm thương yêu. Vì vậy mà bạn phải tu tập để có thể giữ mãi tâm thương yêu trong khi nghe. Nếu bạn có thể giữ mãi tâm thương yêu thì những hạt giống của giận dữ và phán xét sẽ không được tưới tẩm và trỗi dậy. Chúng ta phải rèn luyện trước để có được khả năng lắng nghe những người khác.
Cũng có khi chúng ta chưa sẵn sàng để lắng nghe thì cũng không sao. Nếu khả năng lắng nghe của ta chưa mấy vững thì tốt hơn là nên tạm dừng lại và tiếp tục vào một ngày khác. Không nên ép mình quá đáng. Hãy tiếp tục thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm cho đến khi cảm thấy đã sẵn sàng để thực sự lắng nghe người kia. Ta có thể nói: “Tôi muốn nghe anh (chị) nói khi tôi cảm thấy bình tĩnh, thoải mái nhất. Vậy chúng ta sẽ tiếp tục bàn chuyện vào ngày mai nhé!”.
Sau đó, khi đã sẵn sàng để lắng nghe sâu thì ta có thể lắng nghe mà không ngắt lời người kia. Nếu ngắt lời hay cải chính những gì người ấy nói thì ta sẽ biến buổi nói chuyện thành một cuộc tranh cãi và phá hỏng nó. Sau khi lắng nghe sâu và để cho người kia có cơ hội giãi bày hết tâm tư, ta sẽ có cơ hội nói cho người ấy biết một vài điều để giúp người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm. Nhưng không nên nói liền lúc đó. Bây giờ thì chỉ lắng nghe thôi, mặc dù người ấy có nói điều gì sai quấy. Chính nhờ thực tập với chánh niệm mà ta có thể tiếp tục lắng nghe sâu.
Ta phải để thì giờ tìm hiểu khổ đau của người ấy. Phải có sự chuẩn bị. Lắng nghe sâu chỉ có một mục đích là giúp người kia bớt khổ. Mặc dù người ấy nói điều sai quấy, ta phải tiếp tục lắng nghe với tâm thương yêu càng lâu càng tốt. Ta có thể tự nhắc nhở mình bằng cách nói thầm:
“Tôi đang lắng nghe người này chỉ với một mục đích giúp cho người ấy bớt đau khổ”.
Hãy luôn ghi nhớ mục đích của việc lắng nghe sâu. Chừng nào ta còn giữ được tâm thương yêu thì ta sẽ được an toàn. Mặc dù lời lẽ người ấy đầy nhận thức sai lầm, đầy chua chát, giận dữ, trách móc, buộc tội, ta vẫn được an toàn.
Hãy nhớ rằng những gì người ấy nói ra là do thành kiến và hiểu lầm. Bạn sẽ có dịp nói cho người ấy vài điều để giúp cho người ấy cởi bỏ nhận thức sai lầm nhưng không phải là ngay bây giờ. Bây giờ là lúc chỉ để lắng nghe. Nếu bạn có thể duy trì chánh niệm thương yêu trong khoảng ba mươi phút thì tâm bạn sẽ tràn đầy năng lượng yêu thương và bạn sẽ được an toàn. Chừng nào còn tâm thương yêu thì bạn còn có thể lắng nghe an nhiên tĩnh lặng.
Bạn biết rằng người kia đang đau khổ. Khi chúng ta không biết cách ứng xử với khổ đau trong ta thì ta sẽ mãi khổ đau và làm cho những người quanh ta khổ đau. Khi người kia không biết cách ứng xử với khổ đau thì người ấy sẽ là nạn nhân của khổ đau. Nếu bạn để cho những phán xét, sợ hãi, và giận dữ của người ấy xâm nhập thì bạn sẽ trở thành nạn nhân thứ hai. Nhưng nếu bạn biết lắng nghe sâu, biết rằng những điều người ấy nói là do đau khổ thì bạn sẽ được năng lượng thương yêu che chở.
Bạn chỉ muốn người ấy bớt đau khổ. Bạn không phán xét, trách móc gì người ấy nữa.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh