Truyền thông với người khác
Khi ta truyền thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Nếu không đi được bước đầu ấy thì không đi được bước kế tiếp. Không nên vì lơ là mà không dành thì giờ trong ngày để sống tĩnh lặng và truyền thông với chính mình.
Tất cả chúng ta vốn có nhiều nhận thức sai lầm và nhiều đau khổ. Khi truyền thông với người khác phải ý thức rằng đau khổ và nhận thức sai lầm vẫn còn trong ta. Nếu ta ý thức hơi thở vào, hơi thở ra thì ta sẽ nhớ rằng mục đích duy nhất của truyền thông với tâm thương yêu là giúp người khác bớt khổ. Nếu chúng ta nhớ như thế là chúng ta đã thành công, là chúng ta đã góp thêm niềm vui và làm vơi đi nỗi khổ cho đời.
Chào hỏi
Mỗi khi truyền thông với người khác thì nên nhớ rằng trong ta và người kia đều có một vị Bụt. “Bụt” chỉ là tên gọi của khả năng tối thượng hiểu biết và thương yêu trong mỗi chúng ta. Ta có thể gọi bằng một tên gọi gì khác cũng được, ví dụ như Tuệ giác hay Thượng đế. Chúng ta có thể thở, cười, đi như thế nào để vị Bụt trong ta có cơ hội hiển lộ.
Tại Làng Mai, mỗi khi gặp ai, chúng tôi chắp tay, cúi đầu chào kính cẩn vì chúng tôi biết rằng trong người ấy có một vị Bụt mặc dù phong thái hay cách nói năng của người ấy hoàn toàn không giống như một vị Bụt có khả năng hiểu và thương. Chúng ta biết rằng nếu chúng ta chào một cách kính cẩn và tươi mát là chúng ta giúp cho vị Bụt trong người kia hiển lộ. Chắp tay và cúi đầu chào như thế không chỉ là một động tác theo nghi lễ. Đây là một thực tập tỉnh thức. Khi đưa hai bàn tay lên và chắp lại, hãy thở vào, ra trong chánh niệm. Hai bàn tay làm thành búp sen. Nếu bạn làm như thế một cách chân thành thì bạn có thể thấy những khả năng trong người kia. Trong khi bạn thở, bạn nói thầm:
“Búp sen xin tặng người
Một vị Bụt tương lai.”
Khi chắp tay, chúng ta phải chú tâm. Nếu không thì chỉ là động tác suông. Đóa sen trong hai bàn tay của bạn là một tặng phẩm cho người kia. Cúi đầu chào là ghi nhận nét đẹp nơi người kia.
Tại các nước Á châu, người ta không bắt tay khi gặp nhau. Chúng tôi chỉ chắp tay và vái chào. Cách đây khoảng 160 năm, người Pháp đến Việt Nam và họ dạy chúng tôi bắt tay. Ban đầu chúng tôi thấy bắt tay là buồn cười, nhưng chúng tôi học rất nhanh. Bây giờ thì ai cũng bắt tay, nhưng chúng tôi vẫn còn chắp tay vái chào, nhất là khi gặp nhau trong chùa hay đền thờ. Ngoài đời hay trong sở làm, chắp tay chào chắc không mấy hợp thời nhưng khi gặp một ai bạn có thể nhìn vào mắt người ấy. Dù cho bạn mỉm cười, nói lời chào hỏi, hay bắt tay, trong thâm tâm bạn vẫn đang hiến tặng cho người ấy một đóa sen, như để nhớ lại vị Bụt trong mỗi chúng ta.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh