Truyền thông với hơi thở
Đường về nhà bắt đầu với hơi thở. Nếu ta biết cách thở thì ta có thể học cách đi, cách ngồi, cách ăn, cách làm việc trong chánh niệm để nhờ đó mà ta bắt đầu biết rõ mình. Khi thở vào ta trở về với ta. Khi thở ra ta thư giãn. Khi ta đã có thể truyền thông với chính ta thì ta cũng có thể truyền thông với bên ngoài một cách sáng tỏ. “Lối ra tùy thuộc đường vào nội tâm”.
Hơi thở chánh niệm là một phương tiện truyền thông như đường dây điện thoại. Hơi thở chánh niệm nối kết tâm và thân, giúp ta ý thức cảm thọ trong ta. Chúng ta thở không ngưng nhưng ít khi chúng ta để ý đến hơi thở trừ khi ta bị nghẹt thở.
Với hơi thở chánh niệm, khi thở vào ta biết là ta đang thở vào. Ta chú ý vào hơi thở vào. Khi thở ra ta biết là ta đang thở ra. Ta chú ý vào hơi thở ra.
Để tự nhắc nhở ta có thể nói thầm:
“Thở vào tôi biết là tôi thở vào, Thở ra tôi biết là tôi thở ra.”
“Hơi thở đang đi vào thân tôi, Hơi thở đang đi ra khỏi thân tôi.”
Hãy theo dõi suốt chiều dài của hơi thở vào, hơi thở ra. Lấy ví dụ hơi thở của anh dài bốn giây thì trong khi thở vào anh sẽ chú tâm hoàn toàn vào hơi thở, không gián đoạn. Trong khi thở ra anh cũng chú tâm vào hơi thở ra. Anh an trú nơi hơi thở vào, hơi thở ra. Anh không là gì khác. Anh là hơi thở vào của anh. Anh là hơi thở ra của anh.
Thở vào, thở ra như thế là thực tập để được tự do. Mỗi khi chú tâm vào hơi thở, ta buông bỏ tất cả, buông bỏ lo lắng tương lai, buông bỏ tiếc nuối quá khứ, ý thức được những cảm thọ của ta trong giây phút hiện tại. Cứ như thế suốt hai mươi bốn giờ một ngày ta theo hơi thở vào, ra. Luôn có mặt chăm sóc tự thân. Chỉ cần vài giây để thở là ta tự giải thoát.
Nhìn một người ta có thể nhận ra là người ấy đang thở trong chánh niệm. Người ấy bộc lộ phong thái tự do. Nếu tâm ta đầy sợ hãi, lo âu, tiếc nuối thì ta không có tự do, dầu cho ta ở địa vị nào trong xã hội, dầu cho ta giàu có đến đâu đi chăng nữa. Tự do thực sự chỉ có được khi ta không còn đau khổ và trở về với tự thân, khi ta “trở về nhà”. Tự do quý hóa không gì bằng. Tự do là nền tảng của hạnh phúc và có sẵn đó cho ta với từng hơi thở.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh