Dụ Ngôn Về Chiếc Xe Buýt Không Người Lái
Nếu đời người được ví như một cuộc hành trình bằng xe buýt, với chiếc xe buýt tượng trưng cho thân và tâm, người tài xế là ý chí của chúng ta, và quang cảnh ta nhìn thấy từ khung cửa sổ của xe là kinh nghiệm vui sướng hay đau khổ, thì hầu hết chúng ta sẽ đồng ý rằng chúng ta đang đi trên một chiếc xe buýt với một tài xế quá kém điều khiển. Vì đôi khi chiếc xe buýt chạy ngang qua những phong cảnh đẹp mắt và người tài xế kém cỏi này chẳng những không dừng lại mà lại còn tăng tốc chạy nhanh hơn.
Điều này cũng giống như
những thời gian hạnh phúc trong đời chúng ta
không bao giờ có vẻ kéo dài được lâu
như chúng ta mong đợi.
Thế rồi có những lúc chiếc xe buýt của chúng ta chạy ngang qua những nơi thật sợ hãi, người tài xế bất tài của chúng ta lại không chịu lái nhanh hết sức mình mà lại chạy chậm dần và thậm chí còn ngừng lại.
Cũng giống như những thời khắc đau khổ
trong đời ta có vẻ kéo dài hơn thực tế.
Đã đến lúc chúng ta cần tìm
người tài xế vô dụng này
– đó là ý chí của chúng ta, và huấn luyện nó để nó chỉ đưa ta đến những nơi chốn hạnh phúc, chạy từ từ và ở nán lại đó lâu hơn, và tránh xa hoặc chạy thật nhanh qua khỏi những bãi rác độc hại của cuộc đời.
Phải mất một cuộc hành trình tâm linh nội tại
khá dài để tìm ra chổ ngồi của của người tài xế,
cội nguồn của ý chí chúng ta.
Ta sẽ tìm thấy nó
trong sự an tĩnh liên tục và tự nhiên.
Tuy nhiên, khi ta đến đó,
ta gặp cơn chấn động mạnh của đời mình.
Chổ ngồi của người tài xế trống trơn.
Cuộc đời, bạn ơi,
là một chiếc xe buýt không người lái.
Kết quả của việc thấy rõ rằng không có ai lái chiếc xe buýt đó chính là việc quay trở về chổ ngồi của mình, yên lặng ngồi xuống, và chấm dứt mọi than phiền.
Không còn ai để mà than phiền nữa.
Những cảm nghiệm hạnh phúc đến và đi,
những cảm nghiệm đau khổ đến và đi,
và ta chỉ ngồi yên với tâm buông xả.
Sự than phiền, bất như ý
hay còn được gọi là lòng khao khát hạnh phúc,
cuối cùng đã chấm dứt.
Khát ái cũng giống như một cánh tay có hai đầu vươn ra cầm nắm sự vật hay đẩy chúng ra xa. Điều rất thường thấy là ta thường chỉ quan sát các đối tượng của khát ái – là những người thân yêu, của cải, tiền bạc, . . . Ta đang nhìn lệch hướng cánh tay. Ta phải nhìn vào hướng này của cánh tay, nhìn vào cái đang thực hiện sự khát ái. Tiến trình thực hiện khát ái là vọng tưởng về cái ta. Khi có vọng tưởng về cái ta thì luôn luôn có khát ái.
Khát ái là cách tự thể hiện mình
của cái ta ảo tưởng.
Khi ta nhìn thấy bằng tuệ giác sâu sắc rằng
chổ ngồi của người tài xế là trống không,
rằng chẳng có “cái ta”,
thì vọng tưởng nổ tung
và chẳng bao lâu khát ái chấm dứt.
Vì không có gì còn lại để thực hiện khát ái.
Một vài thiền sinh thông minh đã hỏi tôi, nếu chỗ ngồi của tài xế là trống không, tại sao tôi phải bận tâm tu tập? Như vậy nổ lực tu tập có ý nghĩa gì không? Câu trả lời là bởi vì chổ ngồi của tài xế là trống không, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài tu tập! Nổ lực tu tập là một phần của cuộc hành trình. Nhưng phải luôn nhớ rằng nổ lực đó không xuất phát từ cái ta của bạn.
Trích “Từ Chánh Niệm Đến Giác Ngộ”
Thiền Sư Ajahn Brahm