Hòa giải trong gia đình
Sự truyền thông trong gia đình đôi khi cực kỳ khó khăn bởi vì những người chung sống thường có những đau khổ giống nhau và phản ứng trước hoàn cảnh giống nhau.
Đau khổ trong gia đình
thường là do cha mẹ
hay tổ tiên truyền lại cho con cháu.
Nếu không hiểu rõ
và hòa giải đau khổ
của chính mình
thì ta sẽ trao truyền đau khổ
xuống cho con cháu ta.
Cho nên thực tập thiết lập truyền thông tốt đẹp không phải chỉ cho ta và người ta thương mà còn cả cho con cháu ta.
Hiểu được đau khổ của chính ta là hiểu được đau khổ của tổ tiên cha mẹ. Vì không thể xử lý và hóa giải đau khổ của mình, tổ tiên cha mẹ đã truyền những đau khổ của họ xuống cho con cháu. Chúng ta là những người thừa kế đau khổ của tổ tiên cha mẹ.
Khi còn trẻ, nhiều người đã quyết định là sẽ hành xử khác với cha mẹ. Chúng ta tự nghĩ là sẽ không bao giờ làm cho con cái đau khổ. Nhưng khi lớn lên, chúng ta lại hành xử y hệt như cha mẹ. Nhiều người đau khổ vì không biết cách xử lý năng lượng tiếp nhận từ ông bà cha mẹ.
Chúng ta đã tiếp nhận
không biết bao nhiêu
hạt giống tích cực
cũng như tiêu cực từ ông bà cha mẹ.
Vì không biết cách chuyển hóa, ông bà cha mẹ đã trao truyền tập khí cho con cháu. Sự trao truyền ấy có khi tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Phải ý thức rằng ta là sự tiếp nối của cha mẹ và tổ tiên.
Phải thực tập chế tác chánh niệm
để có thể ý thức và ôm ấp tập khí
bằng năng lượng chánh niệm.
Nhờ đó mà năng lượng của tập khí sẽ yếu dần.
Nếu tiếp tục thực tập như thế thì ta sẽ chấm dứt vòng luân hồi. Và như thế không những chính ta được lợi mà con cháu chúng ta cũng được lợi. Chúng ta cũng có thể giúp cho con cháu học cách xử lý năng lượng tập khí và nuôi dưỡng những yếu tố tích cực trong chúng.
Đau khổ
do cha mẹ gây nên
lúc ta còn nhỏ
có lẽ là những đau khổ sâu kín nhất.
Chúng ta có thể thù ghét cha mẹ và nghĩ rằng không thể nào hàn gắn với cha mẹ khi cha mẹ còn sống hay đã qua đời. Tuy nhiên, với thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và thực tập nhìn sâu, chúng ta có thể chuyển hóa và phục hồi truyền thông ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất trong gia đình. Nếu người kia cũng tu tập thì sự hòa giải sẽ dễ dàng hơn, tuy nhiên vẫn có thể hòa giải dù người kia không biết tu tập.
Mối liên hệ với cha mẹ hay anh chị em có thể rất mực khó khăn.
Có lẽ là vì thương tích lúc nhỏ,
vì không được ai lắng nghe
cho nên bây giờ họ tiếp tục vòng luẩn quẩn
và không còn muốn lắng nghe ai nữa.
Không nên đòi hỏi những người trong gia đình phải thay đổi. Một khi anh có thể phát triển năng lượng hiểu biết và thương yêu trong anh thì hòa giải trong gia đình có thể bắt đầu.
Tôi vẫn còn nhớ trong khóa tu tại Oldenburg, miền Bắc Đức quốc. Vào ngày thứ tư của khóa tu, tôi đã ra thời hạn chót cho mọi thiền sinh là trước 12 giờ khuya ngày hôm đó, nếu có ai đang gặp khó khăn trong mối quan hệ với một người nào thì phải tìm cách hòa giải ngay. Ngày hôm sau, một thiền sinh đã đến và nói với tôi: “Tôi giận cha tôi đã nhiều năm nay. Tôi không muốn nhìn mặt ông ta nữa. Ngay tối hôm qua, khi gọi điện thoại về cho cha tôi, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ có đủ bình tĩnh để nói chuyện với ông ấy!”. Thế mà khi vị thiền sinh ấy nghe tiếng nói của người cha, anh ta đã sử dụng lời ái ngữ một cách tự nhiên, không cố gắng. Anh ta nói: “Con biết là ba đã đau khổ trong nhiều năm qua. Con xin lỗi. Con biết là con đã hành động, đã nói lên những điều không hay không phải. Con không cố ý làm cho ba đau khổ”. Người cha khi nghe tiếng nói đầy thương yêu của con trai mình, đã nói cho anh biết những đau khổ và khó khăn của mình. Đây là lần đầu tiên cha anh bộc lộ tâm tư của mình với con như thế.
Luôn luôn có thể hòa giải.
Anh có thể tìm ra giải pháp cho những khó khăn trong khi liên hệ. Anh không cần để cho những khó khăn gây đau khổ tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác.
Bước thứ nhất là thực tập hơi thở, bước chân chánh niệm, thực tập chánh niệm với mỗi hoạt động trong ngày để có đủ vững chãi mà trở về với mình, để lắng nghe niềm đau nỗi khổ và nhìn sâu vào tính chất niềm đau nỗi khổ của chính mình.
Nếu không biết lắng nghe
niềm đau nỗi khổ của chính mình
thì không có hy vọng gì
để có thể cải thiện
phẩm chất của mối liên hệ.
Nhờ chánh niệm mà thương yêu biểu hiện và ta có thể chấp nhận ta. Và rồi ta sẽ có thể nhìn vào những người khác. Mặc dù có thể người kia không có mặt tại đó, ta vẫn có thể nhắm mắt lại và nhìn rõ những khổ đau mà người kia đã chịu đựng qua bao năm tháng. Nếu anh đã có thể nhận biết người kia đang đau khổ thì anh có thể tìm ra lý do vì sao người ấy đau khổ. Anh không còn giận người ấy nữa. Tâm anh sẽ tràn đầy yêu thương và anh sẽ bình tĩnh hơn mà phát tâm muốn nói một điều gì hay làm một việc gì để giúp người kia bớt đau khổ. Và anh sẽ có cơ hội hòa giải.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh