Câu thần chú thứ tư
Câu thần chú thứ tư
là câu khó nhất
cho những người nhiều tự ái.
Ta sử dụng câu thần chú thứ tư này
khi ta đau khổ
và tin rằng
người kia đã làm cho ta đau khổ.
Điều này thỉnh thoảng có thể xảy ra. Nếu có một người mà ta không gần gũi gì mấy và không mấy để tâm đã nói ra một điều gì hay làm một việc gì trái chống thì ta sẽ không đau khổ gì lắm.
Nhưng nếu người
mà ta thương yêu
nói lên lời chỉ trích, trách móc
thì ta sẽ vô cùng đau khổ.
Nếu vì đau khổ và không nhìn sâu vào nỗi khổ của mình, mở lòng thương mình và thương người ấy thì ta sẽ có ý trừng phạt người đã làm cho ta khổ. Khi ta đau khổ thì ta thường nghĩ rằng lỗi là do ở người kia bởi vì người ấy đã không hiểu rõ hay thương yêu ta đủ. Nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng muốn trừng phạt người khác. Một lý do khiến ta muốn trừng phạt người khác là để chứng tỏ rằng ta có thể sống mà không cần đến người ấy.
Nhiều người đã phạm lỗi lầm ấy.
Chính tôi cũng phạm lỗi lầm ấy.
Nhưng mà chúng ta học được bài học.
Chúng ta muốn chứng tỏ cho người kia biết rằng không có người ấy thì chúng ta vẫn sống còn như thường. Đó là một cách gián tiếp để nói rằng:
“Tôi không cần anh”.
Nhưng sự thật không phải là như thế. Sự thật là khi đau khổ chúng ta cần đến những người khác.
Khi đau khổ, ta phải nói cho người khác biết là ta đau khổ và cần được giúp đỡ. Thường thì chúng ta làm ngược lại. Ta không muốn tìm giúp đỡ nơi người khác. Vì vậy, ta cần đến câu thần chú thứ tư:
“Tôi đang đau khổ, xin hãy giúp tôi!”.
Nếu ta không thực tập câu thần chú ấy thì ta sẽ đau khổ. Nếu có người nhận biết là ta đang đau khổ, muốn an ủi ta và hỏi ta: “Anh đang đau khổ phải không?” thì ta có xu hướng trả lời: “Đau khổ à? Tại sao tôi lại đau khổ?”. Ta biết rằng nói như thế là không thật. Ta đang khổ hết mức mà vẫn giả vờ là không khổ. Ta chối bỏ sự thật để trừng phạt người kia. Nếu người ấy đến đặt bàn tay lên vai ta thì ta hất tay người ấy đi. “Để tôi yên. Tôi có can chi đâu!”. Nhiều người trong chúng ta đã phạm lỗi lầm như thế. Nhưng chúng ta có thể học hỏi.
Khi thực tập câu thần chú thứ tư này, ta sẽ xử lý ngược lại.
Ta phải thừa nhận đau khổ của ta.
Câu thần chú này có thể nói dài hơn nếu cần:
“Tôi đang đau khổ.
Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó.
Tôi không hiểu tại sao
anh lại nói như thế, làm như thế.
Xin nói cho tôi biết và xin giúp tôi”.
Đó là tình yêu đích thực. Câu “Tôi không đau khổ, tôi không cần ai giúp” không phải là ngôn ngữ của tình yêu đích thực. Mai đây, khi ta cho rằng ta đau khổ vì một ai đó thì hãy đọc lại câu thần chú thứ tư này để biết là ta phải xử lý như thế nào.
Theo thực tập tại Làng Mai, ta có quyền đau khổ hai mươi bốn giờ nhưng không được lâu hơn. Thời hạn chót là hai mươi bốn giờ và ta phải thực tập câu thần chú thứ tư này trước thời hạn đó. Ta có điện thoại. Ta có máy vi tính. Tôi tin chắc rằng mỗi khi ta quyết định nói ra hay viết vào máy niềm đau nỗi khổ của ta thì ta sẽ cảm thấy nhẹ bớt khổ đau tức khắc. Nếu ta không đủ bình tĩnh để thực tập câu thần chú thứ tư thì hãy viết lên giấy tâm tư đau khổ của mình và để lên bàn hay một nơi nào để người kia có thể thấy và đọc được.
Câu thần chú này có thể chia ra làm ba phần.
Phần thứ nhất của câu thần chú là:
“Tôi đang đau khổ và tôi muốn anh biết cho tôi điều đó”. Đó là chia sẻ tâm tình với người mình thương. Chia sẻ lúc hạnh phúc cũng như lúc đau khổ.
Phần thứ hai của câu thần chú là:
“Tôi sẽ cố gắng”. Nghĩa là “Tôi sẽ thực tập chánh niệm và khi tôi giận, tôi sẽ không nói lên điều gì có thể gây xúc chạm cho tôi và cho người kia. Tôi sẽ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm và nhìn sâu vào niềm đau nỗi khổ của tôi để tìm ra cội nguồn của khổ đau. Tôi nghĩ rằng anh đã làm cho tôi đau khổ nhưng tôi biết rằng tôi không nên tin chắc là như thế. Tôi sẽ nhìn sâu để xem đau khổ của tôi có phải là do một ý niệm sai lầm hay không. Có thể anh đã không cố ý nói ra những lời lẽ như thế, anh không muốn hành động như thế. Tôi sẽ cố gắng thực tập nhìn sâu hết lòng để nhìn ra cơn giận của tôi và ôm ấp cơn giận của tôi với tất cả sự hiền dịu.”
Phần thứ hai của câu thần chú này cũng là “lời mời người kia cùng thực tập như mình”. Khi người kia nhận được bức thư thì người ấy có thể tự nhủ: “Trời ơi, tôi không biết là anh ta đã đau khổ như thế. Tôi không biết là tôi đã nói gì hay làm gì mà anh ta đã đau khổ như thế”. Đó là một lời mời mọc để người kia thực tập nhìn sâu. Nếu một trong hai người tìm ra được nguyên nhân thì người ấy phải tức thời đến với người kia để nhận lỗi và xin lỗi rằng mình đã không khéo léo và để cho người kia bớt khổ.
Vậy thì phần hai của câu thần chú này là nhằm khuyến khích cả hai bên thực tập nhìn sâu để biết việc gì đã xảy ra và tìm hiểu nguyên nhân chính xác đã gây nên đau khổ. Đây là một lời ghi nhận rằng người kia đang tỉnh thức và đang thực tập hết lòng, cũng như ta đang thực tập hết lòng.
Phần thứ ba của câu thần chú là:
“Xin giúp tôi”. Phần này có ý nghĩa là ta không thể tự mình tìm ra nguyên do. Cả hai bên cần giúp nhau. Đây có thể là phần khó nhất của câu thần chú.
Tóm lại, câu thần chú thứ tư là: “Tôi đang đau khổ. Tôi muốn anh biết cho tôi điều đó. Tôi cố gắng hết lòng. Xin hãy giúp tôi”.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh