Giúp người khác hiểu rõ
Trong chuyến đi của tôi tại Ấn Độ, tôi được mời để làm biên tập viên thỉnh vấn (guest editor) cho tờ Ấn Độ Thời báo (Times of India), nhật báo lớn nhất của Ấn Độ. Lúc đó là nhân lễ kỷ niệm Thánh Gandhi vào tháng 10/2008. Tôi đang họp với ban biên tập của tờ báo thì nghe tin khủng bố đặt bom tại Mumbai, gần biên giới Pakistan và nhiều người đã thiệt mạng.
Một biên tập viên đã hỏi tôi: “Nếu Thầy là một ký giả lúc này thì Thầy sẽ báo tin như thế nào khi mà chỉ có toàn là tin dữ và không mấy tin vui? Là ký giả, chúng tôi phải xử lý như thế nào?”. Đây là một câu hỏi khó. Phóng viên thì phải phổ biến tin tức. Nhưng nếu chỉ mô tả tin tức dưới khía cạnh bạo động, sợ hãi, kinh sợ, hay “giật gân” thì sẽ tưới tẩm sợ hãi, giận dữ trong người đọc và sẽ tạo thêm bạo động. Vậy chúng ta phải làm thế nào?
Tôi không trả lời câu hỏi ngay tức thì. Tôi trở về với hơi thở và im lặng một lúc lâu và các ký giả có mặt cũng cùng im lặng. Sau đó, tôi nói: “Quý vị phải nói sự thật. Nhưng quý vị phải phổ biến tin tức thế nào để tránh tưới tẩm hạt giống giận dữ và hận thù nơi người đọc. Quý vị sẽ ngồi xuống như một hành giả, quán chiếu sâu sắc và đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại có người có thể hành động tàn ác đối với những người vô tội?”. Khi quán chiếu sâu sắc, quý vị sẽ nhận ra rằng những người gây nên bạo động là vì họ đã có nhận thức sai lầm. Họ tin chắc vào nhận thức của họ, và họ có thể tin rằng nếu họ cùng chết, khi trái bom nổ, họ sẽ được sanh về cõi trời với Chúa.
Ai cũng muốn sống, không ai muốn chết. Nhưng những người ấy có thể nghĩ rằng nếu giết những người khác và cùng chết theo là họ đã phụng sự Chúa. Họ nghĩ rằng những người của phe bên kia là kẻ thù của Chúa. Chúng ta có thể thấy đó là một lối suy nghĩ sai lầm và chúng ta khởi tâm từ bi đối với họ. Những người ấy đã trải qua một cuộc sống tối tăm và đau khổ. Chung quanh ta có biết bao nhận thức sai lầm. Chừng nào còn nhận thức sai lầm thì còn hoạt động khủng bố. Khó mà nhận ra và giải trừ tất cả những nhận thức sai lầm.
Nếu một nhóm khủng bố bị diệt trừ thì một nhóm khác sẽ nổi dậy, không bao giờ chấm dứt. Vì vậy, tôi đã nói với ban biên tập: “Khi quý vị đăng tải tin tức khủng bố, quý vị nên đem tâm thương yêu, hiểu biết. Phải trình bày sự việc sao cho người đọc không nổi giận và có thể trở thành một tên khủng bố mới”.
Quý vị có thể nói lên sự thật nhưng quý vị phải giúp độc giả hiểu thấu sự việc. Khi đã hiểu thấu thì họ sẽ bớt giận dữ. Họ sẽ không mất hy vọng và sẽ biết phải làm gì và không làm gì, nên tiêu thụ những gì và không nên tiêu thụ những gì để không còn tạo nên những khổ đau như thế nữa. Cho nên thông điệp của tôi sáng hôm đó là chúng ta phải suy nghĩ và bàn luận về sự cố đã xảy ra thế nào để không gia tăng tuyệt vọng và giận giữ nơi độc giả. Trái lại, chúng ta phải làm thế nào để độc giả hiểu rõ vì sao sự cố đã xảy ra, để cho tuệ giác và thương yêu được nảy nở. Thực tập nhìn sâu có thể đem lại nhiều kết quả to lớn. Giải pháp không phải là che giấu sự thật.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh