Tiêu chuẩn thứ ba: Tùy bệnh mà cho thuốc
Tiêu chuẩn thứ ba là phải cho thuốc đúng với bệnh. Nếu cho thuốc sai, bệnh nhân có thể chết. Cho nên phải tùy người bệnh mà cho thuốc.
Khi bạn có kiến chấp,
tham dục hay tuyệt vọng
thì phải nhớ rằng
bạn là vị thầy của chính mình.
Bạn có thể lắng nghe những cảm xúc ấy để hiểu được sự chữa trị mà bạn đang cần.
Không nên nghĩ rằng nếu ta nghe hay đọc một điều gì đã từng gây ấn tượng cho ta thì ta có thể lặp lại “y nguyên từng câu từng chữ” với một người khác.
Hãy tìm cách nói ra sự thật ấy
bằng những lời của chính mình
thế nào cho có hiệu quả.
Phải tìm hiểu tâm thức và hoàn cảnh của người nghe. Nếu nói lại lời giảng dạy cho một người khác đúng y như mình đã nghe thì có thể là không thích hợp cho người ấy. Bạn phải nói sao cho thích hợp với hoàn cảnh của người ấy mà điều bạn nói vẫn phản ảnh giáo pháp đích thực. Đành rằng
bạn phải sử dụng ngôn ngữ của thế gian
nhưng không phải bất cứ ngôn ngữ nào
của thế gian cũng được.
Lời nói của bạn
phải thích hợp với hoàn cảnh
nhưng phải đúng theo chân lý.
Thử tưởng tượng là ta cần nói với các trẻ em về chết chóc và bạo động. Bạn có nghĩ rằng chúng ta phải nói với chúng khác hơn là khi nói với người lớn hay không? Có một hôm tôi đi thăm một bảo tàng viện. Tôi vào một phòng có trưng bày một xác ướp (mummy) Ai Cập. Một em bé gái đứng với tôi cũng đang nhìn xác ướp. Một lát sau, với đôi mắt đầy sợ hãi em bé đã hỏi tôi: “Sau này con cũng nằm chết như người này hay sao?”. Tôi thở vào thở ra và câu trả lời thích hợp nhất vào lúc đó là “Không”. Tôi hy vọng rằng sau này một người lớn có trí tuệ hay một người bạn có thể giải thích cho em ấy biết về tính chất vô thường của vạn vật, kể cả hình hài của chúng ta và giáo lý sâu xa của Bụt về khái niệm rằng không có gì tồn tại mãi mãi và không có gì từ có mà trở thành không. Nhưng lúc đó không phải là lúc tôi có thể giảng giải cho em những điều ấy cho nên tôi đã trả lời bằng một câu mà tôi nghĩ thích hợp nhất là “Không”.
Ngay cả với những người lớn, mỗi người có thể nhạy cảm về một vấn đề nào đó mà chúng ta phải thay đổi cách nói. Chúng ta chia sẻ một điều gì mà người nghe có thể tiếp nhận học hỏi và sử dụng sau này, mặc dù không phải là tức thì. Đây không phải là nói láo mà nói lời khéo léo. Có một người theo truyền thống Jain đến hỏi Bụt,
“Con người có ngã hay không?”,
Bụt có thể trả lời là,
“Không có ngã”
nhưng Bụt im lặng.
Người kia hỏi tiếp, “Vậy thì chúng ta vô ngã?”,
Bụt vẫn im lặng.
Sau đó, A Nan Đà hỏi Bụt, “Tại sao Thế Tôn không trả lời là, ‘Không có ngã?’”. Bụt trả lời, “Người ấy đang bị kẹt bởi ý niệm của mình. Nếu ta trả lời là không có ngã thì người ấy sẽ hoang mang và đau khổ. Cho nên dù ý niệm vô ngã là chân lý mà ta rao giảng, tốt hơn là ta im lặng”.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh