Tiêu chuẩn thứ hai: Nói theo trình độ hiểu biết của người nghe
Theo tiêu chuẩn này thì ta có thể nói với mỗi người một cách khác nhau. Điều này không có nghĩa là nói hai lời. Nội dung của lời ta nói không thay đổi nhưng đồng thời chúng ta phải ý thức về trình độ nhận thức và hiểu biết của người nghe để lựa lời mà nói cho người ấy dễ tiếp nhận. Với người này, ta nói cách này, với người khác, ta nói cách khác. Ta phải nhìn sâu với người nghe ta nói, phải thấu hiểu nhận thức của người ấy và nói những lời thích ứng. Nếu một người có trình độ hiểu biết sâu sắc thì lời ta nói phải phù hợp với người ấy.
Một hôm, có người đến hỏi Bụt, “Sau khi chết, ta sinh về đâu?”. Bụt trả lời là sau khi chết, ta sẽ sinh về cõi này hay cõi kia. Có một người khác đến hỏi cùng một câu hỏi thì Bụt lại trả lời, “Khi chết ta không đi về đâu cả”. Một người đứng cạnh đó hỏi Bụt, “Tại sao khi thì Bụt trả lời thế này, khi thì Bụt trả lời thế kia?”. Bụt nói, “Ta phải tùy theo tâm thức của người nghe cũng như trình độ hiểu biết và tiếp nhận của người hỏi mà ta trả lời”.
Có câu chuyện một người mang đến cho một bà nọ một bình sữa vào buổi sáng. Đến chiều, khi người ấy trở lại để lấy sữa thì sữa đã thành bơ sữa. Người đàn ông hỏi: “Sáng nay, tôi gửi bà bình sữa, sao bây giờ bà giao lại cho tôi bình bơ?”. Vậy thì sữa có khác với bơ hay không?
Câu trả lời là không giống
mà cũng không khác.
Đối với một người có trình độ hiểu biết sâu rộng, ta phải trả lời sâu rộng hơn rằng
không có gì là thường hằng,
mọi sự đều thay đổi không ngừng.
Cho nên lời giảng dạy phải tùy thuộc tuệ giác và khả năng hiểu biết của người nghe. Phải nương theo hoàn cảnh của người nghe mà nói.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh