Tiêu thụ trong chánh niệm
Làm thế nào để biết truyền thông nào là lành mạnh, truyền thông nào là độc hại? Năng lượng chánh niệm là yếu tố cần thiết cho truyền thông lành mạnh. Muốn có chánh niệm ta phải buông bỏ óc phán xét, ý thức sự có mặt của hơi thở, thân thể, hoàn toàn chú ý đến những gì trong ta và chung quanh ta. Nhờ chánh niệm mà ta ý thức được rằng ý nghĩ của ta là lành mạnh hay không lành mạnh, là có từ bi hay không có từ bi.
Chuyện trò là một loại thực phẩm. Vì cô đơn cho nên ta muốn chuyện trò. Nhưng khi chuyện trò với người khác, những lời người ấy nói có thể chứa đầy độc tố sân hận, giận dữ, và bất an. Khi ta nghe tức là ta đang tiêu thụ những độc tố đó, ta đưa độc tố vào tâm, vào thân. Vì vậy cho nên chánh niệm khi nói và khi nghe rất quan trọng.
Khó mà tránh được chuyện trò độc hại, nhất là tại sở làm. Cho nên phải cẩn thận, chung quanh ta đầy rẫy độc tố! Ta cần đủ tỉnh thức để không đau khổ vì bị độc tố xâm nhập. Phải sử dụng năng lượng, từ bi để tự bảo vệ, để khi nghe thay vì tiêu thụ độc tố ta tích cực phát tâm từ bi. Năng lượng từ bi sẽ bảo vệ ta và giúp người khác bớt đau khổ.
Những gì ta hay người chung quanh ta nói năng, suy nghĩ, hành động sẽ xâm nhập vào tâm thức ta. Đây là một hình thức tiêu thụ. Vì vậy khi đọc sách hay khi nghe ai nói ta phải cẩn thận, đừng để độc tố tàn hại sức khỏe, gây đau khổ cho ta, cho người khác hay cho cả một tập thể.
Để ví dụ, Bụt có đưa ra hình ảnh của một con bò bị bệnh da lở loét. Bò bị côn trùng bốn phía tấn công. Vì không còn da cho nên bò không thể tự bảo vệ. Cũng như thế, chánh niệm là lớp da bảo bọc con người. Không có chánh niệm, những độc tố bên ngoài sẽ xâm nhập thân và tâm.
Ngay cả khi lái xe ta cũng đang tiêu thụ. Những tấm biển quảng cáo đập vào mắt ta bắt ta tiêu thụ. Những âm thanh ta nghe, những lời ta nói,… tất cả đều có thể là sản phẩm của tiêu thụ độc hại. Ta phải tự vệ bằng cách tiêu thụ cho có chánh niệm. Chánh niệm khi truyền thông là một phần của việc tự vệ. Truyền thông như thế nào để thể hiện bình an, từ bi và thêm vui cho người.
Trích “Nghệ thuật thiết lập truyền thông”
Thích Nhất Hạnh