Mọi sự vật đều không bền vững, chúng chỉ vận hành theo duyên của chúng.
Trống rỗng không có nghĩa là không còn ai hiện hữu. Giống như chiếc ly này: không cần nó phải biến mất, ta mới nói được là nó trống rỗng. Chiếc ly có mặt, người ta có mặt; tất cả mọi thứ đều có mặt, nhưng đối với những ai tự trong thâm tâm biết bản chất của các sự vật, biết rằng chúng không bền vững, chúng chỉ vận hành theo duyên của chúng: chúng là pháp sinh khởi và hoại diệt, chỉ có thế.
Như chiếc bình thủy này đây: Nếu chúng ta ưa thích nó, nó không phản ứng hay nói gì. Chuyện ưa thích, tất cả là của chúng ta. Ngay khi ta chán chê nó, vứt nó vào bụi rậm, nó cũng không phản ứng. Nó không phản ứng theo chúng ta. Tại sao? Vì đó là bản chất của chúng. Ta có thích chúng hay không tùy theo cái chấp của ta, tùy theo ta thấy chúng tốt hay xấu. Quan niệm rằng chúng tốt, ta thấy rung động. Quan niệm rằng chúng xấu, ta cũng động tâm. Cả hai trạng thái đều là uế nhiễm.
Vì thế bạn không cần phải chạy trốn những thứ như thế. Chỉ cần hiểu nguyên tắc này và tiếp tục quán chiếu. Tất cả chỉ có thế. Tâm sẽ thấy rằng các Pháp này không quan trọng. Bản chất của chúng chỉ là như thế. Nếu ta ghét chúng, chúng không phản ứng. Nếu ta thích chúng, chúng không phản ứng. Chúng ta chỉ tự làm mình điên đảo. Không có gì phiền rộn chúng ta, nhưng chúng ta bức xúc cả lên. Hãy cố gắng để nhìn vạn pháp theo cách này. Với thân cũng thế; với tâm cũng thế; các trạng thái và những mối quan tâm mà ta có cũng thế: hãy xem chúng như vô thường, khổ và vô ngã. Đó chỉ là bản chất của chúng. Chúng ta khổ vì chúng ta không muốn chúng như thế. Chúng ta muốn những thứ mà chúng ta không thể có được.
Bạn có muốn điều gì không? “Tôi muốn hành thiền. Tôi muốn tâm yên tĩnh”. OK, đúng là bạn muốn như thế. Nhưng nguyên do gì mà tâm bạn không được yên tĩnh? Đức Phật dạy rằng vạn pháp phát sinh do duyên, nhưng chúng ta chỉ muốn kết quả. Chúng ta ăn dưa hấu nhưng chúng ta chưa bao giờ trồng dưa hấu, chúng ta chẳng biết chúng đến từ đâu. Chúng ta chỉ thấy khi xẻ dưa ra chúng ngọt và đỏ: “Hừm. Coi ngon quá!”. Chúng ta cố ăn chúng, thấy chúng ngọt ngon nhưng đó là tất cả những gì chúng ta biết về chúng. Tại sao dưa hấu lại là như thế? Chúng ta chẳng biết tại sao. Đó là vì chúng ta không tĩnh giác. Tĩnh giác như thế nào? Cũng giống như khi tưới cây. Chỗ nào chúng ta quên tưới cây không lớn lên. Chỗ nào chúng ta quên không bón phân cây không lớn lên. Hãy quán chiếu nguyên lý này rồi thì bạn sẽ phát khởi trí tuệ.
Trích “Không Dừng Tu Tập”
Thiền Sư Ajahn Chah
(còn tiếp, xem Rõ Biết 7)