Hai loại định
Có loại định đến từ việc tập trung tâm hay chú tâm hoàn toàn vào một đề mục, và có loại định được sinh ra từ chánh kiến, chánh tư duy và thái độ đúng. Có hai loại pháp hành tương ứng với hai loại định này: thiền chỉ (samatha) và thiền minh sát (vipassanā); cái chúng ta thực hành ở đây là thiền minh sát, hay thiền chánh niệm. Biết rõ sự khác biệt giữa hai loại thiền này thì bạn mới bắt đầu nhận ra được việc mình đang làm trong pháp hành.
Trong thiền chỉ, tâm tập trung hoàn toàn vào một đề mục, và bị hút vào nó sau một thời gian thực hành. Sau khi đã tập trung vào đề mục một thời gian dài (theo đúng cách), thiền sinh sẽ đạt được một trạng thái tâm rất bình yên và tĩnh lặng. Tuy nhiên, bởi vì quá gắn chặt vào một đề mục, nên các căn khác (các tiềm năng tâm linh khác) không được sử dụng và tâm không còn hay biết được các đề mục khác mà bình thường nó có thể biết. Không có sự quán chiếu, tìm hiểu các hiện tượng, và cũng chẳng có chánh niệm rộng mở về các tiến trình thân tâm, vì vậy nó chặn đứng cơ hội để trí tuệ phát triển.
Thiền vipassanā là liên hệ tới và hay biết càng nhiều đề mục càng tốt mà không cố gắng tạo ra một kết quả hay một kinh nghiệm nào cả. Bởi vì thiền vipassanā là một quá trình hiểu biết mọi việc như nó đang là, với mục tiêu là để có trí tuệ, nó cần nhận biết về bất cứ đề mục hay tiến trình nào đang diễn ra trong hiện tại. Chánh niệm thu nhận các dữ liệu và khi bức tranh toàn cảnh đã hoàn chỉnh, trí tuệ sẽ khởi sanh. Cái nhìn rộng mở này cho phép chúng ta thấy được nhân quả và các tiến trình thân-tâm từ những góc độ khác nhau, và tạo cơ hội cho trí tuệ trưởng thành.
Trong thiền vipassanā, thay vì chỉ chú tâm tới một đề mục, chúng ta chú ý đến tâm, đặc biệt là tâm quan sát hay tâm thiền. Chúng ta kiểm tra lại tâm để xem trí tuệ có mặt ở đó hay không, phiền não có mặt ở đó hay không.
Chúng ta quan tâm tìm hiểu xem
tâm thiền có đang hoạt động
với tham, sân, si hay bất cứ
họ hàng nào của chúng hay không,
bởi vì tuệ giác không thể
sanh khởi chừng nào
các phiền não này còn có mặt ở đó.
Vì vậy, khi hành thiền điều rất quan trọng là phải có trí tuệ trong tâm thiền.
Trích “Pháp Ở Mọi Nơi”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya