Sao lại hỏi tôi
Người học đạo thường muốn hiểu chữ tâm họ tìm tòi trong Abhidhamma (thuộc Nam Tông) hoặc Duy Thức Luận (thuộc Bắc Tông) để phân tích cho rành rẽ thế nào là tâm. Nhưng khi bước vào các môn luận này, họ đụng phải một rừng thuật ngữ chuyên môn, nào bằng tiếng Pàli, nào bằng tiếng Sanskrit, lại còn cả những từ ngữ chữ Hán nữa. Đó là chưa kể việc các môn học này cũng chưa hoàn toàn nhất trí với nhau về nhiều vấn đề. Vì vậy, người học tưởng chừng sáng được cái tâm, ai dè càng thêm tăm tối.
Một học giả đành đến tham vấn Sư:
– Thưa Ngài! Thức, tâm, ý, tình, trí v.v… khác nhau như thế nào?
Sư nói:
– Ủa, cái đó anh tự hỏi anh chứ sao lại hỏi tôi?
Lời góp ý:
Biết bao người có thói quen tìm chân lý trong ngôn ngữ.
Thuộc lòng một số định nghĩa trong kinh, trong sách đã ba hoa nói chân nói lý. Còn tự thân chân lý thì chẳng biết nơi đâu mà tìm cho được.
Lấy kinh luận mà nghiên cứu tâm đã là chuyện buồn cười, lại nhè người khác mà vấn nạn tâm thì quả là đáng khóc.
Hướng ngoại cầu tâm tâm chẳng ổn
Đem tâm kiếm đạo đạo còn lâu
Tâm ở gốc tâm sao chẳng thấy
Đạo còn nơi đạo mãi tìm đâu?
Trích “Vi Tiếu”
Thiền Sư Viên Minh