Ngũ lực
Tâm đang làm gì? Đang nghĩ ngợi lung tung? Hay đang chánh niệm?
Tâm đang ở đâu? Ở trong? Hay ở ngoài?
Tâm theo dõi hay tâm quan sát có hay biết một cách tường tận, thích đáng hay không, hay chỉ hay biết một cách hời hợt?
Bạn phải chấp nhận và quan sát cả kinh nghiệm tốt lẫn kinh nghiệm xấu. Bạn chỉ muốn kinh nghiệm tốt thôi ư? Bạn không muốn có, dù chỉ là một kinh nghiệm khó chịu nhỏ nhất nào ư? Điều này có hợp lý không? Cách thức vận hành của pháp là như vậy sao?
Bạn phải kiểm tra lại xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào. Một cái tâm nhẹ nhàng và giải thoát sẽ giúp bạn hành thiền được tốt đẹp. Bạn có thái độ chân chánh hay không?
Đừng cảm thấy bị quấy rầy bởi tâm suy nghĩ. Không phải bạn thực hành để ngăn chặn suy nghĩ, mà để nhận rõ và hay biết suy nghĩ mỗi khi nó khởi sanh.
Đừng chối bỏ bất cứ đối tượng nào đến trong phạm vi chú ý của bạn. Hãy xét xem có phiền não đi theo đối tượng đó hay không, nếu có hãy thẩm nghiệm và quan sát nó.
Đề mục không quan trọng, tâm quan sát đang làm việc ở phía sau hay biết đề mục đó mới thực sự quan trọng. Nếu bạn quan sát với một thái độ chân chánh, thì bất cứ đề mục nào cũng là đề mục đúng đắn cần quan sát.
Chỉ khi có đức tin (saddha-tín),
tinh tấn mới phát khởi.
Chỉ khi có tinh tấn (viriya-tấn),
chánh niệm mới trở nên liên tục.
Chỉ khi chánh niệm (sati-niệm) được liên tục,
định tâm mới được thiết lập.
Chỉ khi định tâm (samadhi-định) được thiết lập,
bạn mới bắt đầu hiểu được
mọi sự như chúng đang là.
Khi bạn bắt đầu hiểu được mọi sự như chúng đang là (paññā-tuệ) thì đức tin sẽ lại càng tăng trưởng vững mạnh.
Trích “Đừng Coi Thường Phiền Não”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya