Xa Lộ
Vì chưa hiểu biết đầy đủ và rõ ràng bản chất thật sự của vạn pháp, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang hạnh phúc hay đang khổ đau, hoặc đồng hoá hạnh phúc và khổ đau với chúng ta.
Sự thật là chúng ta không thể ép buộc
mọi sự vật hay trạng thái tâm
đi theo hay diễn ra
theo chiều hướng mà ta ưa thích.
Vạn pháp diễn biến
theo đường lối tự nhiên của chúng.
Lấy một ví dụ đơn giản. Giả sử bạn ra ngồi ngay giữa xa lộ và các loại xe lớn, nhỏ đang lao nhanh về phía bạn. Bạn không thể bảo những chiếc xe dừng lại, dầu bạn có nổi giận thì xe cũng vẫn tiếp tục chạy về phía bạn. Vậy thì bạn phải làm gì bây giờ?
Bạn chỉ còn cách rời khỏi xa lộ.
Xa lộ là nơi để cho xe chạy.
Vì thế, bạn sẽ khổ
nếu bạn không muốn xe chạy trên xa lộ.
Đối với các sự vật hay trạng thái tâm cũng vậy. Chúng ta cho rằng chúng đã quấy rối ta. Như khi ta đang ngồi mà nghe tiếng động, chúng ta nghĩ rằng: Ồ! Tiếng động này đã quấy rầy ta! Nếu nghĩ rằng tiếng động quấy rầy thì ta sẽ khổ sở.
Thật ra ai đã quấy rầy ai đây?
Nếu chịu khó quán sát sâu hơn một chút, chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta đã quấy rầy tiếng động.
Tiếng động chỉ đơn giản là tiếng động.
Nếu chúng ta hiểu biết tiếng động theo lối này, thì chẳng có chuyện gì xảy ra thêm nữa.
Hãy để yên cho tiếng động đến rồi đi.
Chúng ta thấy rõ bản chất sanh diệt của âm thanh và thấy âm thanh chẳng có liên hệ gì đến ta cả,
đó là trí tuệ thật sự liễu ngộ chân lý.
Thấy cả hai mặt bạn sẽ có bình an thật sự. Nếu chỉ thấy một mặt bạn sẽ đau khổ. Khi thấy rõ cả hai mặt là bạn đã hành theo trung đạo. Đó là sự thực hành đúng đắn của tâm. Đó là điều mà ta gọi là soi chiếu để làm hiển lộ sự hiểu biết đúng đắn hay còn gọi là chánh tri kiến. Tương tự như vậy, bản chất của tất cả mọi sự vật và trạng thái tâm là vô thường và hoại diệt, nhưng chúng ta muốn nắm giữ, muốn mang chúng theo và tham đắm chấp giữ chúng.
Chúng ta muốn
các trạng thái tâm trở thành sự thật.
Chúng ta muốn tìm sự thật
trong những cái không thật.
Người nào có ý muốn như thế và dính mắc chấp giữ trạng thái tâm, xem trạng thái tâm như chính mình, người đó sẽ đau khổ. Đức Phật dạy chúng ta hãy chú tâm xem xét điều này.
Trích “Chỉ Là Một Cội Cây”
Thiền Sư Ajahn Chah