Hãy luôn nhớ rằng thiền chánh niệm là một quá trình học hỏi mà bạn sẽ tìm ra mối quan hệ giữa thân và tâm.
Tâm có thể căng thẳng và mệt mỏi khi quan sát các đề mục. Hãy để mọi thứ đơn giản và tự nhiên, chỉ cần thư giãn là được. Không cần thiết phải chậm lại một cách thiếu tự nhiên. Bạn đơn giản là muốn thấy pháp theo đúng bản chất của nó. Chánh niệm thực sự không phải là tập trung chú ý mà chỉ đơn giản là sự hay biết các đề mục. Thực hành như vậy, tâm bạn sẽ luôn tươi mới. Bạn không cần phải biết thật rõ mọi chi tiết kinh nghiệm của mình. Chỉ cần chánh niệm và hay biết mình đang chánh niệm trên đối tượng nào. Hãy thường xuyên hỏi bản thân những câu hỏi này: “Tôi đang chánh niệm trên cái gì?”, “Mức độ chánh niệm của tôi ra sao?” Việc này sẽ giúp cho chánh niệm diễn ra liên tục. Hãy nhớ rằng: đề mục chỉ là đề mục thôi, không có con người nào ở đó, chỉ là diễn biến tự nhiên. Đây là chánh kiến.
Khi chúng ta thực hành vipassanā, việc có chánh kiến mang tính chất quyết định. Tôi không biết phải lặp đi lặp lại điều này bao nhiêu cho đủ. Đây chắc chắn là điều quan trọng nhất trong pháp hành bởi vì một khi không có chánh kiến, tà kiến sẽ tự động hiện diện. Tà kiến là tâm si mê. Tà kiến là sự dính mắc vào kinh nghiệm diễn ra. Nếu chúng ta coi những gì mình đang trải qua là tôi hoặc của tôi thì đó chính là tà kiến. Vậy làm sao để quan sát theo chánh kiến? Tâm cần nhìn mọi thứ theo cách như nhau. Đó là mọi kinh nghiệm chỉ là diễn biến tự nhiên. Không có ai quyết định ở đây cả. Tự nhiên chỉ là một quá trình của nhân và quả. Tự nhiên không diễn ra vì chúng ta. Mọi thứ diễn ra quanh chúng ta là tự nhiên; nó tự diễn ra thế thôi. Tâm đang chánh niệm và phản ứng trước các hiện tượng tự nhiên. Đó cũng là diễn biến tự nhiên.
Trích “Khi Chánh Niệm Trở Nên Tự Nhiên”
Thiền Sư Sayadaw U Tejaniya