Đừng Tin
Khi còn trẻ, tôi đã chẳng tin vào bất cứ điều gì. Một vài người bảo rằng, tôi là một người suy nghĩ quá nhiều và giờ đây tôi vẫn vậy. Tôi đã chưa bao giờ đánh mất sự tự do của mình. Nhưng suy nghĩ quá nhiều không có nghĩa là bạn chẳng tin vào một điều gì cả. Suy nghĩ quá nhiều nghĩa là bạn sẽ cần nhiều thời gian hơn để tìm ra được điều gì thực sự là đúng, điều gì thực sự là thiện. Bạn không tin một điều gì đó chỉ bởi vì một ai đó bảo rằng bạn phải tin. Và đây là điều mà tôi rất thích trong các lời dạy của Đức Phật. Có lẽ một vài bạn đã đọc bản Kinh Kalama. À, nhiều bạn đã đọc rồi. Đó là bản Kinh mà tôi yêu thích nhất. Bạn biết tại sao không? Bởi vì Đức Phật đã dạy rằng: “Đừng tin.”
Trong mọi tôn giáo khác, bạn sẽ phải tin. Đức tin là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nhưng trong Phật pháp, bạn không bị buộc phải tin vào bất cứ điều gì. Bạn không được yêu cầu phải tin vào bất cứ điều gì. Sự hoài nghi không phải là một điều cấm kỵ to lớn (trong Phật pháp). Trong bản Kinh Kalama, Đức Phật đã dạy rằng: Đừng tin vào một điều gì đó chỉ bởi nó là một truyền thống – mā anussavena. Đừng tin vào một điều gì đó bởi vì bạn được nghe đi nghe lại nhiều lần” – mā param parāya. Đừng tin vào một điều gì đó chỉ bởi vì cha của bạn tin vào điều đó, ông của bạn tin vào điều đó, tổ tiên của bạn tin vào điều đó. Bởi vì đó là một truyền thống. Mọi người có thể nói rằng, ý tưởng này đã 5000 năm tuổi. Do đó, nó chắc hẳn phải là đúng. Nhưng chỉ bởi vì một hệ thống đức tin có 5000 năm tuổi chẳng thể nào là một bằng chứng tốt cho tính đúng đắn của nó.
Mā anussavena, mā param parāya… Mā iti kirāya – Đừng tin vào những thứ hạng hai. Hầu hết những gì chúng ta tin là các kiến thức hạng hai (những điều chúng ta được nghe lại). Bao nhiêu người trong chúng ta có kiến thức hạng nhất về sự thật? Rất ít. Mā takka hetu, mā naya hetu – takka có nghĩa là logic, suy luận. Tôi rất thích logic và suy luận. Tôi đã học môn logic và cả môn logic ký hiệu. Tôi đọc nhiều sách triết học. Trong các cuốn sách đó, họ sử dụng logic, suy luận logic để đi đến một kết luận. Tôi đã đọc nhiều hệ thống triết lý khác nhau. Ví dụ như, tôi đã đọc triết lý của Bertrand Russell, Wittgenstein, … và nhiều triết gia khác. Tất cả các triết gia này đều tự cho rằng họ thực sự suy luận chặt chẽ, logic. Nhưng họ lại có những kết luận khác nhau. Nếu tất cả họ đều suy luận thật sự hợp lý, làm sao họ lại có thể đi đến những kết luận khác nhau đến vậy? Như vậy là, nếu chỉ bằng suy luận, bạn không thể đến với sự thật được. Suy luận là rất quan trọng. Bạn phải học cách để đọc chúng (các hệ thống triết lý). Nhưng các hệ thống triết lý cũng không thể thực sự mang chúng ta đến với sự thật được.
Mā diṭṭhi nijjhāna kkhantiyā – Đôi khi hoặc một cách nào đó chúng ta có một kết luận và chúng ta tin rằng điều đó là đúng đắn. Rồi khi nghe một ai khác nói về cùng quan điểm đó, chúng ta cảm thấy rất sung sướng. “Ồ, tôi cũng tin vào điều đó. Anh ta cũng tin vào điều đó. Do đó, cả hai chúng tôi chắc hẳn phải đúng.” Nhưng cả hai có thể sai.
Và Đức Phật cũng dạy rằng: “Mā piṭaka sampadānena”, nghĩa là đừng tin vào một điều gì đó chỉ bởi vì nó được nói trong sách vở. Ngày nay, khi viết về một điều gì đó và muốn chứng tỏ rằng điều đó là đúng, chúng ta trích dẫn lại các ý tứ từ sách vở. Ví như là, à điều đó được nói đến trong cuốn sách này, ở trang nọ. Chỉ bởi vì chúng ta trích dẫn lại từ những cuốn sách lớn không có nghĩa rằng ý tưởng đó là đúng. Do đó, Đức Phật đã dạy rằng: “Mā piṭaka sampadānena”. Chỉ bởi rằng một ý tưởng phù hợp với tạng kinh, với sách vở không phải là một bằng chứng tốt cho việc chỉ ra rằng điều đó là đúng. Thực ra, pitaka có nghĩa là sách, bất cứ sách vở nào bao gồm cả kinh điển Pali. Hãy nghiền ngẫm về ý tưởng này. Thật là một ý tưởng gây sốc. Bạn có thể hoài nghi luôn cả kinh điển Pali. Ai đã viết các cuốn kinh Pali? Chúng ta không biết. Bao nhiêu người đã viết nên kinh điển Pali? Rất, rất nhiều người, chẳng thể nào là một người được. Rất nhiều người cùng nhau làm việc đó, đặc biệt là rất nhiều các vị tăng. Tất nhiên đó là những vị tăng thống rất đáng tin cậy. Họ viết lại tam tạng kinh điển. Họ viết cả các chú giải cho kinh điển. Và rồi họ cũng viết cả chú giải cho các chú giải. Mọi việc tiếp diễn như thế.
Mā bhabba rūpatāya. Sau khi hoàn tất các khoá học, mọi người sẽ có các danh hiệu to lớn, các bằng cấp to lớn như là tiến sĩ hay bất cứ bằng cấp nào khác. Đừng tin tưởng anh ta chỉ bởi anh ấy có vẻ như có khả năng, chỉ bởi anh ấy có vẻ như đã đạt được những thành tựu to lớn nào đó.
Mā ‘samaṇo no garū’ti. Samaṇa có nghĩa là một vị sư và cũng có nghĩa là Đức Phật. Đức Phật cũng được gọi là samaṇa. Garū có nghĩa là vị thầy. Đừng tin vào một ý tưởng chỉ bởi điều đó được dạy bảo bởi vị thầy của bạn, một vị sư. Đừng tin vị thầy của bạn.
Tự do tâm trí đòi hỏi rất nhiều can đảm
Sau khi đọc được tất cả những điều trên từ bản Kinh Kalama, tôi đã tự hỏi bản thân rằng, nếu bỏ đi tất cả những thứ này (những gì tôi đã học hỏi và biết) thì tôi còn lại điều gì? Tôi không còn tin vào sách vở nữa. Tôi cũng không tin vào bất cứ vị thầy nào nữa. Tôi không tin vào bất cứ truyền thống nào nữa. Tôi cũng không tin vào logic và triết lý nữa. Tôi không tin vào bất cứ ai nữa. Vậy thì làm sao tôi biết được điều gì là đúng và điều gì là sai? Đó là thách thức lớn nhất trong cuộc đời của tôi. Cùng lúc, điều đó lại cho bạn thật nhiều tự do. Bạn có đủ can đảm để cho mình nhiều tự do đến vậy không? Bạn có thể cho bản thân mình sự tự do. Chẳng ai có thể lấy đi được cả. Hãy suy nghĩ về điều đó. Hãy cho bản thân mình tất cả sự tự do (trong tâm trí) đó. Và rồi bạn sẽ thấy rằng nó cũng rất đáng sợ. Tự do thực sự đáng sợ. Bạn sẽ cần thật nhiều can đảm để nhận về tự do. Bởi vì với sự tự do đó, bạn có trách nhiệm thật to lớn để tự mình tìm về với sự thật. Khi đọc bản Kinh Kalama, tôi đã bị sốc nặng. Mặc dù yêu tự do, một cách vô thức, tôi vẫn muốn tìm được một ai đó có thể thực sự thuyết phục tôi rằng một điều gì đó là đúng đắn. Nhưng khi đọc được bản Kinh Kalama, tôi nhận ra rằng, kể cả nếu như bạn tìm ra một người có thể thuyết phục được bạn, bạn vẫn cần hoài nghi cả về người đó.
Trích Sức Mạnh Của Sự Hoài Nghi Và Thiền Chánh Niệm
Thiền Sư Sayadaw U Jotika
Người Dịch: Việt Hùng